Phe đối lập Hàn Quốc tuyên bố sẽ bỏ phiếu luận tội quyền Tổng thống Han

Quyền Tổng thống Han Duck-soo.

Đảng đối lập chính của Hàn Quốc cho biết sẽ đệ trình dự luật luận tội quyền Tổng thống Han Duck-soo hôm 26/12 và tổ chức bỏ phiếu ngày 27/12, một động thái có thể làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng hiến pháp của đất nước vì lệnh thiết quân luật ngắn ngủi gây ra.

Đảng Dân chủ đối lập đã đe dọa sẽ luận tội ông Han nếu ông không ngay lập tức bổ nhiệm ba thẩm phán để lấp đầy các vị trí còn trống tại Tòa án Hiến pháp.

Quốc hội đã bỏ phiếu ủng hộ ba người được đề cử hôm 26/12, nhưng họ vẫn chưa được ông Han chính thức bổ nhiệm. Tòa án đang xét xử việc luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol về tuyên bố thiết quân luật vào ngày 3 tháng 12 của ông.

"Rõ ràng là Thủ tướng và quyền Tổng thống Han Duck-soo không có đủ trình độ hoặc ý chí để bảo vệ Hiến pháp", lãnh đạo đảng Dân chủ Park Chan-dae cho biết trong một tuyên bố.

Đề xuất này đã được đệ trình lên quốc hội hôm 26/12 và phải được bỏ phiếu trong vòng 24-72 giờ. Đề xuất này đã dẫn một loạt hành động của ông Han làm căn cứ để luận tội ông, bao gồm cả việc ông phủ quyết dự luật về công tố viên đặc biệt nhằm điều tra những cáo buộc về hành vi sai trái của đệ nhất phu nhân.

Nếu ông Han bị luận tội, bộ trưởng tài chính sẽ đảm nhiệm quyền tổng thống. Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát đa số quốc hội, nhưng có sự bất đồng giữa các đảng và một số học giả về hiến pháp về việc chỉ cần đa số phiếu hay hai phần ba số phiếu để luận tội quyền tổng thống.

Ông Han đã nói trước đó hôm 26/12 rằng ông sẽ không bổ nhiệm các thẩm phán cho đến khi các đảng phái chính trị đạt được thỏa thuận về các cuộc bổ nhiệm, vì việc ông làm như vậy mà không có sự đồng thuận chính trị sẽ gây tổn hại đến trật tự hiến pháp.

Hai trong số những người được đề xuất bổ nhiệm vào Tòa án Hiến pháp được phê duyệt hôm 26/12 đã được Đảng Dân chủ đề cử và một người do Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền của ông Han đề cử. Đảng cầm quyền phản đối sự phân chia ứng cử viên như vậy, nói rằng họ không đồng ý với điều đó.

Ông Han đã chịu áp lực phải thực hiện các cuộc bổ nhiệm, nhưng các đảng phái chính trị đã bất đồng về việc liệu ông có thẩm quyền để làm như vậy với tư cách là quyền tổng thống hay không.

Tòa án sẽ tổ chức phiên tòa điều trần đầu tiên hôm 27/12 để quyết định có nên bãi nhiệm ông Yoon hay phục chức cho ông hay không.

Theo hiến pháp, sáu thẩm phán phải đồng ý bãi nhiệm một tổng thống bị luận tội, nghĩa là các thẩm phán hiện tại phải bỏ phiếu nhất trí để bãi nhiệm ông Yoon. Tòa án cho biết họ có thể thảo luận mà không cần toàn bộ chín thành viên.

Ông Yoon, người đã bị quốc hội luận tội vào ngày 14 tháng 12 trong một cuộc bỏ phiếu có sự tham gia của một số thành viên trong đảng trung hữu của ông, tính đến ngày 26/12 đã không nộp các giấy tờ pháp lý theo yêu cầu của tòa án, người phát ngôn của tòa án Lee Jean cho biết trong một cuộc họp báo.

Hôm 25/12, ông đã không trả lời lệnh triệu tập mới nhất để thẩm vấn trong một cuộc điều tra hình sự riêng rẽ. Các nhà điều tra đã gửi một lệnh triệu tập khác hôm 26/12 để ông phải ra hầu tòa vào ngày 29/12.

Sự thách thức liên tục của ông Yoon đã làm dấy lên sự chỉ trích và kêu gọi bắt giữ ông từ phía phe đối lập.

Trước đó hôm 26/12, các luật sư của cựu bộ trưởng quốc phòng của ông Yoon, người đang bị điều tra về các cáo buộc nổi loạn liên quan đến tuyên bố thiết quân luật, nói rằng việc làm đó nhằm mục đích cảnh báo về việc các đảng đối lập lạm dụng quy trình dân chủ.

Ông Kim Yong-hyun là người đầu tiên trong số một loạt các quan chức bị bắt và có khả năng là người đầu tiên phải đối mặt với cáo buộc là nhân vật trung tâm trong tuyên bố thiết quân luật bất ngờ của Tổng thống Yoon Suk Yeol vào ngày 3 tháng 12.