Chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam vừa chính thức công bố ý tưởng “điều chỉnh một số chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ Công an và một số bộ, ngành liên quan”, theo đó, Bộ Công an sẽ tiếp nhận công việc quản lý hoạt động cai nghiện ma túy từ Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) , quản lý việc xem xét - cấp phát Lý lịch Tư pháp thay Bộ Tư pháp, quản lý việc sát hạch – cấp giấy phép lái xe (GPLX) và kiểm soát toàn bộ hoạt động an ninh hàng không (ANHK) thay Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), quản lý việc kiểm soát an toàn và an ninh thông tin mạng Internet thế Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT). Thậm chí, chính phủ còn muốn Bộ Quốc phòng phải chia sẻ với Bộ Công an việc kiểm soát biên giới và dữ liệu xuất nhập cảnh [1].
Việc nghiên cứu và đề nghị “điều chỉnh một số chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ Công an và một số bộ, ngành liên quan” được đại diện chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam giải thích là nhằm thực thị Nghị quyết 18-NQ/TW của BCH TƯ đảng khóa 12 vốn đã chào đời từ tháng 12/2017. Nghị quyết này nêu “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” [2] nhưng bảy năm qua chẳng có bao nhiêu người bận tâm bởi đặc điểm của hệ thống chính trị và hệ thống công quyền Việt Nam vốn thuộc loại trước thế nào thì sau cũng thế, mọi thứ chỉ đột ngột thay đổi với tốc độ gây ngỡ ngàng sau khi ông Đại tướng Bộ trưởng Công an trở thành Tổng Bí thư đảng CSVN.
***
Mục tiêu cuối cùng khi thiết lập bộ máy chính phủ của một quốc gia là hiệu quả quản trị - điều hành sao cho có thể đáp ứng các yêu cầu liên quan đến quốc kế, dân sinh. Cũng vì vậy, không có mẫu số chung về tổ chức bộ máy công quyền và chuyện quốc gia này có bộ nọ tham mưu và hỗ trợ nhân vật đứng đầu chính phủ quản trị - điều hành quốc gia nhưng quốc gia kia không có là bình thường. Chẳng hạn không có bao nhiêu quốc gia có Bộ Cựu chiến binh (Department of Veterans – chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề liên quan đến cựu chiến binh) như Mỹ. Tương tự, Đức có Federal Ministry for Family Affairs, Senior Citizens, Women and Youth chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề liên quan đến gia đình, người già, phụ nữ và trẻ em.
Tuy giảm số lượng các bộ, thiết lập các siêu bộ quản trị - điều hành đa ngành, đa lĩnh vực, giúp chính phủ nâng cao hiệu quả hoạt động là xu thế chung ở những quốc gia phát triển nhưng đó không phải là vấn đề quan trọng nhất. Yếu tố cốt lõi của việc tạo ra các siêu bộ là các siêu bộ phải đủ năng lực. Người đứng đầu các siêu bộ nói riêng và các siêu bộ nói chung phải có viễn kiến trong việc tham mưu điều chỉnh để chính sách không ngăn cản sự phát triển, cũng như khả năng ứng phó đối với tất cả những vấn đề nằm trong phạm vi trách nhiệm của mình. Trên thực tế, chính quyền Việt Nam đã từng lập ra các siêu bộ nhưng hãy nhìn vào hiệu quả hoạt động của những bộ như TTTT, Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn,... và ngẫm nghĩ.
Trở lại với việc “điều chỉnh một số chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ Công an và một số bộ, ngành liên quan”, tại sao rất nhiều quốc gia giao việc xem xét – cấp phát Lý lịch Tư pháp, sát hạch – cấp GPLX, kiểm soát hoạt động an ninh hàng không, kiểm soát an toàn và an ninh thông tin mạng Internet cho các cơ quan thuần túy dân sự, thậm chí cho cả doanh nghiệp tư nhân tham gia nhưng đột nhiên vào lúc này, chính phủ Việt Nam lại muốn gom hết để đặt vào tay công an? Cứ nhìn vào sự hỗn loạn bởi đủ loại bất cập khi thưc hiện số định danh cá nhân, thẻ căn cước, hộ chiếu,... trong thời gian vừa qua ắt sẽ thấy viễn kiến, năng lực của lãnh đạo Bộ Công an nói riêng và ngành công an nói chung có đáng và có nên giao thêm hàng loạt “chức năng, nhiệm vụ” như vậy?
Đó là chưa kể ý tưởng giao thêm hàng loạt “chức năng, nhiệm vụ” cho Bộ Công an chính là công khai thừa nhận các thành viên lãnh đạo đảng, quốc hội, chính phủ nhiều nhiệm kỳ trước rất kém cỏi nên năm 1995 mới quyết định để Bộ GTVT thay Bộ Công an tổ chức sát hạch – cấp GPLX, cũng năm đó chuyển lực lượng đảm trách vai trò biên phòng từ Bộ Công an sang Bộ Quốc phòng. Năm 1999 chấp nhận để Bộ Tư pháp cấp giấy chứng nhận không có án tích và duy trì hoạt động này đến năm 2009 thì soạn thảo – ban hành Luật Lý lịch Tư pháp nhưng tiếp tục... thiếu sáng suốt, không giao thẳng cho Bộ Công an đảm trách. Tương tự, năm 2006 khi soạn thảo - ban hành Luật Hàng không dân dụng đầu tiên, do hạn chế về... “tầm nhìn” đã giao ANHK cho Bộ GTVT.
***
Chính phủ Việt Nam đã lấy khoảng 4.000 tỉ từ công khố chi việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy Bộ Công an đảm nhận việc thực thi dự án này nhưng chẳng lẽ đó là “đồ chơi” sắm riêng cho Bộ Công an, còn nếu đó là tài sản quốc gia tại sao các cơ quan công quyền khác không được chia sẻ hệ thống dữ liệu hiện có, thành ra ngay cả Lý lịch Tư pháp cũng phải do Bộ Công an xem xét – cấp phát? Rộng hơn, nếu các cơ quan công quyền tại Việt Nam được phép truy cập vào hệ thống dữ liệu thì có cần “điều chỉnh một số chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ Công an và một số bộ, ngành liên quan” như vừa loan báo? “Điều chỉnh một số chức năng, nhiệm vụ” theo kiểu như thế có khác gì giúp Bộ Công an gia tăng từ nhân số tới nguồn lưc tài chính?
Chú thích
[1] https://plo.vn/bo-cong-an-se-nhan-them-mot-so-chuc-nang-nhiem-vu-tu-4-bo-khac-post829940.html