Nhà lãnh đạo Belarus và cũng là đồng minh của Nga, Alexander Lukashenko, nối tiếp 31 năm cầm quyền của mình vào thứ Hai (27/1) sau khi các quan chức bầu cử tuyên bố ông là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống mà các chính phủ phương Tây coi là giả hiệu.
Ông Lukashenko, người không phải đối mặt với thách thức thực sự nào từ bốn ứng cử viên khác trong cuộc bỏ phiếu, đã giành được 86,8% số phiếu bầu, theo kết quả ban đầu.
Các chính trị gia châu Âu nói cuộc bỏ phiếu không tự do cũng không công bằng vì truyền thông độc lập bị cấm ở nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, và tất cả các nhân vật đối lập hàng đầu đều đã bị bỏ tù hoặc buộc phải chạy trốn ra nước ngoài.
“Người dân Belarus không có lựa chọn nào khác. Đây là ngày cay đắng đối với tất cả những ai khao khát tự do và dân chủ”, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock đăng trên X.
Lãnh đạo phe đối lập lưu vong Sviatlana Tsikhanouskaya kêu gọi mở rộng lệnh trừng phạt của phương Tây đối với các công ty và cá nhân Belarus có liên quan đến việc đàn áp những người phản đối ông Lukashenko và việc cung cấp đạn dược cho nỗ lực chiến tranh của Nga tại Ukraine.
“Chừng nào Belarus còn nằm dưới sự kiểm soát của Lukashenko và Putin, thì sẽ luôn có mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh của toàn bộ khu vực”, bà nói.
Trưởng bộ phận đối ngoại của EU Kaja Kallas và Ủy viên phụ trách mở rộng Marta Kos cho biết trong một tuyên bố rằng khối này sẽ tiếp tục áp dụng “các biện pháp hạn chế và có mục tiêu đối với chế độ” trong khi vẫn ủng hộ xã hội dân sự và phe đối lập lưu vong.
‘KHÔNG QUAN TÂM’
Khi được hỏi về việc bỏ tù những người đối lập của mình, ông Lukashenko hôm Chủ Nhật nói rằng họ đã “tự chọn” số phận của mình. Ông phủ nhận rằng quyết định thả hơn 250 người bị kết tội hoạt động “cực đoan” là một thông điệp gửi đến phương Tây nhằm tìm cách giảm bớt sự cô lập của mình.
“Tôi không quan tâm đến phương Tây”, ông nói trong một cuộc họp báo dài hơn bốn giờ.
“Chúng tôi chưa bao giờ từ chối quan hệ với phương Tây. Chúng tôi luôn sẵn sàng. Nhưng các người không muốn điều này. Vậy chúng tôi nên làm gì, cúi đầu trước các người hay quỳ gối?”
Trong suốt sự nghiệp của mình, ông Lukashenko đã tìm cách để trở thành đồng minh hữu ích của Nga và thu được những lợi ích quan trọng dưới hình thức dầu giá rẻ và các khoản vay, đồng thời ngăn chặn đất nước chín triệu dân này khỏi bị nuốt chửng bởi người hàng xóm lớn hơn nhiều.
Nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã gắn kết ông chặt chẽ hơn bao giờ hết với Putin, người đã phát động cuộc xâm lược một phần từ lãnh thổ Belarus. Putin cũng đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus.
Bất chấp sự phủ nhận của ông Lukashenko, những người đối lập và các nhà phân tích chính trị giải thích lệnh ân xá tù nhân của ông là một động thái nhằm bắt đầu hàn gắn mối quan hệ với phương Tây, và việc ông tái đắc cử gần đây nhất là một nỗ lực khôi phục tính hợp pháp của ông và khiến các nước châu Âu lớn và Hoa Kỳ đưa đại sứ của họ trở lại Minsk lần đầu tiên sau nhiều năm.
Nhóm nhân quyền Viasna, vốn bị cấm vì là một tổ chức “cực đoan” ở Belarus, cho biết vẫn còn khoảng 1.250 tù nhân chính trị ở nước này.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio hôm Chủ Nhật nói rằng Belarus “vừa đơn phương thả một người Mỹ vô tội”, người mà ông nêu tên là Anastassia Nuhfer. Ông không đưa ra thêm chi tiết nào về trường hợp này, mà vốn trước đó chưa từng được công khai.