Trung Quốc hy vọng Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể ‘trở lại con đường đúng đắn’

Nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, được các nhà sư giúp đi vào hội trường tại dinh thự của ông trên dãy Himalaya ở Dharamshala, Ấn Độ, vào ngày 20 tháng 12 năm 2024.

Trung Quốc hy vọng Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể “trở lại con đường đúng đắn" và sẵn sàng thảo luận về tương lai của ngài miễn là đáp ứng được một số điều kiện nhất định, Bắc Kinh cho biết hôm thứ Hai (10/2), một đề xuất đã bị quốc hội Tây Tạng lưu vong tại Ấn Độ bác bỏ.

Nhà lãnh đạo lưu vong của Phật giáo Tây Tạng, người sẽ bước sang tuổi 90 vào tháng 7, đã trốn khỏi Tây Tạng vào năm 1959 đến Ấn Độ sau một cuộc nổi dậy bất thành chống lại sự cai trị của Trung Quốc nhưng ông đã bày tỏ mong muốn trở về trước khi qua đời.

Trung Quốc sẵn sàng đàm phán về tương lai của khôi nguyên Nobel Hòa bình, miễn là ông từ bỏ lập trường chia cắt “quê hương”, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Khôn nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.

Ông Quách đã trả lời yêu cầu bình luận về cái chết của anh trai nhà lãnh đạo tinh thần, Gyalo Thondup, người trước đây đã từng đóng vai trò là phái viên không chính thức của ông trong các cuộc đàm phán với các quan chức Trung Quốc.

Ông Gyalo Thondup đã qua đời vào thứ Bảy, thọ 97 tuổi, tại nhà riêng ở thị trấn Kalimpong của Ấn Độ.

Phát ngôn viên Quách nói Đức Đạt Lai Lạt Ma cần công khai thừa nhận rằng Tây Tạng và Đài Loan là những phần không thể tách rời của Trung Quốc, nơi chính phủ hợp pháp duy nhất là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch quốc hội Tây Tạng lưu vong, Dolma Tsering Teykhang, đã bác bỏ các điều kiện tiên quyết.

“Thánh Đức không thể nói dối, điều đó sẽ không xảy ra”, bà nói từ thị trấn Dharamshala thuộc dãy Himalaya của Ấn Độ, nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đang sống.

“Nếu họ ra lệnh rằng Thánh Đức phải nói rằng Tây Tạng là một phần không thể tách rời, thì đó là sự bóp méo lịch sử. Mà lịch sử bị bóp méo thì không thể có một giải pháp hòa bình và thân thiện”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từ chức vào năm 2011 trong tư cách là nhà lãnh đạo chính trị của chính phủ Tây Tạng lưu vong, vai trò mà Bắc Kinh không công nhận. Các cuộc đàm phán chính thức với đại diện của ông đã bị đình trệ kể từ đó, nhưng bà Teykhang cho biết các cuộc thảo luận bí mật vẫn đang diễn ra. Bà từ chối cung cấp thông tin chi tiết.

Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma già đi, câu hỏi về người kế nhiệm của ngài cũng trở nên cấp bách hơn. Trung Quốc khẳng định sẽ chọn người kế nhiệm ngài.

Nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết ngài sẽ làm rõ những câu hỏi về việc kế vị, chẳng hạn như ngài có tái sinh hay không và tái sinh ở đâu, theo tín ngưỡng Phật giáo Tây Tạng, vào khoảng thời gian ngài 90 tuổi vào tháng 7.

Trong một cuộc họp ngắn với Reuters vào tháng 12, ngài cho biết ngài có thể sống đến 110 tuổi.

Bà Teykhang, người sinh ra ở Tây Tạng, cho biết bà hy vọng Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ có thể trở về nhà, nhờ vào những nỗ lực của những người dân trong nước Trung Quốc.

“Tôi rất hy vọng rằng Thánh Đức sẽ đến thăm Tây Tạng và ngài sẽ đến Điện Potala của mình”, bà nói. “Rất hy vọng”.