3 người bị câu lưu trong vụ hỏa hoạn tại xưởng may mặc Bangladesh

Các lính cứu hỏa cố gắng dập lửa tại xưởng may mặc ở khu Savar, Dhaka, Bangladesh hôm tối thứ Bảy, 24/11/2012. (AP Photo/Hasan Raza)

Cảnh sát Bangladesh đã bắt giữ 3 giới chức hãng xưởng liên quan tới một vụ cháy nhà máy bên ngoài Dhaka, giết chết 112 người.

Cảnh sát nói những người đàn ông trong cuộc bị tố cáo là đã nhốt công nhân bên trong nhà máy. Trong số những người bị bắt, không có chủ nhân của nhà máy.

Nhà máy sản xuất đồ may mặc trong cuộc làm ăn với hầu hết các nhà bán lẻ lớn ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Một cư dân ở Berlin nói rằng các công ty Tây phương đó phải chịu một phần trách nhiệm trong vụ này, tuy nhiên không tuyên bố tẩy chay các nhà bán lẻ làm ăn với xưởng may mặc liên hệ:

“Từ khi biết tới tai họa ở Bangladesh tôi đã bớt mua sắm tại các cửa hàng KiK, C&A và, H&M bởi vì không phải chỉ có cửa hàng KiK sản xuất quần áo tại Bangladesh. Thật khó cho tôi bởi vì tôi không đủ giàu để có thể sắm những loại quần áo được trao đổi công bằng, hay đắt tiền. Tôi cảm thấy bị mâu thuẫn."

Giới hoạt động bênh vực người lao động trong thời gian qua đã phàn nàn rằng các nhà bán lẻ Tây phương phải chịu trách nhiệm về sự an toàn tại các nhà máy sản xuất các sản phẩm của họ.

Nhưng ông Scott Nova, Giám đốc Liên đoàn bảo vệ quyền công nhân, nói rằng các công ty toàn cầu chỉ ra tay hành động, nếu thanh danh của nhãn hiệu của họ bị đe doạ.

Các cửa hàng bán nhãn hiệu có thanh sát các nhà máy, nhưng kết quả thanh sát ra sao thì họ không minh bạch, và họ cũng không cam kết sẽ thôi làm ăn với các hãng xưởng có các điều kiện làm việc nguy hiểm. Chúng ta cần một hệ thống qua đó các cửa hàng và các công ty bán lẻ đã đưa ra những cam kết có tính ràng buộc pháp lý, là họ sẽ không làm ăn với các hãng xưởng hoạt động trong các điều kiện vô cùng thiếu an toàn.

Ông Nova tiên đoán rồi sẽ có thêm nhiều hỏa hoạn khác xảy ra tại những xưởng may mặc nước ngoài, trừ phi các nhà máy này cho thi hành các biện pháp an toàn nghiêm ngặt.

Khâu sản xuất đồ may mặc đang tăng trưởng nhanh chóng của Bangladesh có một quá trình không nhất quán về vấn đề an toàn. Kể từ năm 2006, đã có hơn 300 công nhân thiệt mạng trong các cơn hỏa hoạn tại các hãng sản xuất đồ may mặc ở Bangladesh.