Lê Văn ra mắt sách: Rượu vang, món quà của Thượng Ðế

Những ruộng nho bát ngát, những chùm nho chín mọng, nho đỏ, nho xanh, nho tím, nho vàng ngoài vỏ phủ một lớp phấn trắng trông thật ngon lành, những thùng rượu gỗ sồi, những chai rượu vang bên cạnh những ly rượu sóng sánh, đó là những hình ảnh đầy ắp trong cuốn sách mang tựa đề “Rượu Vang, Món Quà của Thượng Đế” vừa được tác giả Lê Văn cho ra mắt hôm 3 tháng 12 tại vùng phụ cận thủ đô Washington. Lan Phương của đài TNHK đã có mặt trong buổi ra mắt sách ngày hôm đó tường trình như sau:

Hơn 3 năm sau khi từ giã ban Việt Ngữ đài TNHK về nghỉ hưu, cựu chủ biên Lê Văn đã cho ra mắt một cuốn sách viết về rượu vang. Những người chỉ biết đến anh trước đây qua làn sóng điện chắc hẳn sẽ chưng hửng vì ô hay, sao lại rượu vang mà không phải là chính trị, thời sự, hay ít ra cũng phải là âm nhạc, văn nghệ chứ ? Nhưng những người đã biết anh rồi thì dù thân hay sơ không ai ngạc nhiên bởi lẽ anh có rất nhiều sở thích, mà sở thích về rượu nho là một. Sở thích này được nhiều bạn bè thân thiết của anh từ thời sinh viên nhắc đến trong buổi ra mắt sách tại Washington hôm 3 tháng 12. Cũng chính vì sở thích, đam mê này mà anh đã dùng thời giờ nghỉ hưu của anh theo các lớp dạy về rượu vang rồi thi lấy chứng chỉ để trở thành một chuyên gia có cấp bằng về loại rượu này. Và cũng chính từ sở thích đó cùng với sự khuyến khích của bạn bè và những người gia nhập câu lạc bộ về rượu do anh sáng lập (website: www.levanwineclub.com) mà cuốn sách đã được ra đời.

Buổi ra mắt sách ngày hôm đó có chừng 200 thân hữu và rất nhiều những người không hề quen biết anh đã tìm đến mua sách vì trước đây họ đã được đọc một số các bài viết của anh về rượu đăng trên tờ báo Đời Nay và qua website của anh.

Cuốn “Rượu Vang, Món Quà của Thượng Đế”, gồm 9 chương, giải thích khá tường tận nhưng lại giản dị, dễ hiểu để cho từ những người không biết gì về thứ rượu này cho đến cả những ai đã sành điệu đều có thể đọc, tìm hiểu hoặc bổ túc thêm kiến thức về món quà của thượng đế mà không thấy chán. Các bài viết kèm theo rất nhiều hình ảnh với màu sắc rực rỡ và trích dẫn những giai thoại, những câu chuyện vui bên lề, giải đáp những thắc mắc đại loại như rượu vang có lợi hay có hại cho sức khỏe, rượu đắt mơiù là rượu ngon hay chăng? Làm sao để chọn rượu,mua rượu cho hợp túi tiền, rượu vang hòa hợp ra sao với các món ăn Á Ðông và tây phương,cách gọi rượu khi vào trong tiệm ăn và cách mở rượu khi mời khách đến nhà vv...vv

Nhưng thiết tưởng chẳng gì bằng để tác giả tự giới thiệu đôi lời:

Tôi không giảng như những tác giả ngoại quốc đã làm. Chúng ta đã đọc những quyển sách viết về rượu vang của Pháp, của Mỹ. Chúng ta thấy họ thường giảng cho chúng ta về những vấn đề đó một cách khô khan . Tôi thì tôi viết nó vui hơn. Tôi viết nhẹ nhàng, giản dị, dễ hiểu. Nó không phải là một tác phẩm văn chương, nó cũng không phải là một tác phẩm hoàn toàn về rượu vang. Nó là một cái gì mà nếu quí vị đọc ở trong đó quí vị sẽ thấy qua 9 chương, nó còn kèm theo rất nhiều chuyện vui bên lề, kể lại kinh nghiệm đi uống rượu cuả chính tôi, những kinh nghiệm của nhiều người bạn khác, và những kinh nghiệm thực tiễn như khi chúng ta lựa rượu để mua, mua rượu về rồi chúng ta tồn trữ như thế nào, khi vào trong tiệm ăn thì chúng ta order rượu ra làm sao, biết lựa thứ rượu gì cho thích hợp với cái buổi ngày hôm đó. Tất cả những điều đó được tôi trình bày theo một hình thức vui vui, nhẹ nhàng, dễ nhớ, dễ hiểu, bởi vì tôi đâu có muốn dành riêng cuốn sách này cho những người sành điệu về rượu vang đâu. Không, tôi muốn tất cả những quí vị nào chưa uống rượu vang bao giờ cũng bắt đầu tìm hiểu một món quà rất là quí mà thượng đế đem đến cho chúng ta.

Vị chủ báo Việt Ngữ tại vùng Washington đã từng đăng những bài báo viết về rượu của anh đã trích đọc một số thư của dộc giả gửi về tòa báo tại buổi ra mắt sách này, đại loại như:

TRẦN VIỆT TÂN(ĐỜI NAY NEWSPAPER OWNER): Đây là một cái thư thứ hai: “Richmond ngày 8 tháng 11 năm 2004, kính gửi tuần báo Đời Nay, tôi tên là Nguyễn Lưỡng, một tay thích uống rượu và biết thưởng thức. Sau khi đọc những bài về rượu đăng trên quí báo của ông Lê Văn, tôi đã mua được 6 chai rượu Lê Văn. Rượu vừa ngon lại rẻ. Tôi mới ngẫm nghĩ “Tại sao lại có thứ rượu tên là Lê Văn ?”.

Thưa quí vị tôi xin giải thích thêm, là trong các bài mà ông Lê Văn viết thì ông Lê Văn đã liệt kê ra, có thể nói là bình chọn, những loại rượu vừa ngon và rẻ và ông ấy đã liệt kê và đăng trên một cái list trên báo Đời Nay, thì tôi nghĩ rằng cái người độc giả này đã đem cái list đó đi và họ có thể mua những chai rượu có thể tên là Bordeau hoặc là Chateauneuf-du-Pape.. vân vân…Nhưng họ không gọi rượu đó là rượu Bordeaux mà gọi là rượu Lê Văn !

Có người có thể nêu thắc mắc: Cuốn sách này có gì liên hệ đến những người Việt ở trong nước ? Vậy thì nhân tiện đây chúng tôi xin hỏi tác giả Lê Văn nghĩ như thế nào về điểm này:

Ở Việt Nam hiện bây giờ người ta đang có những nỗ lực để trồng lại các ruộng nho đã có từ thời Pháp thuộc, thời đó thì nền canh nông, cái nền kỹ thuật nông nghiệp chưa tiến bộ đủ, nhưng với những kỹ thuật bây giờ thì ngay cả những vùng đất khô cằn như ở Phan Thiết, Phan Rang ở miền Trung hay là trên những vùng cao nguyên như Chapa, Tam Đảo hay Đà Lạt, Blao, Lâm Đồng chẳng hạn thì đó là những đất rất tốt để trồng nho, cho nên là tôi muốn giới thiệu một chút về cái nét này, tức là cuốn sách này chẳng những nhắm vào những người Việt ở nước ngoài mà còn nhắm vào những người Việt ở trong nước nữa.

Ở trong nước bây giờ cũng có nhiều ruộng nho và theo tôi biết thì những cuộc wine tasting, tức là đưa rượu ra cho mọi người nếm thử, do Việt Nam sản xuất, thì cho tới bây giờ càng ngày phẩm chất của nó càng tiến bộ và hy vọng là Việt Nam cũng sẽ trở thành một quốc gia sản xuất rượu vang đáng kể giống như là Tân Tây Lan hay là bên Úc vậy.

Trước khi ra mắt tại vùng thủ đô, cuốn sách đã được giới thiệu ở quận Cam và San Jose, bang California. Trong nay mai sách sẽ được ra mắt tại Dallas và Houston, bang Texas và sau đó sẽ đến Florida.

Bất cứ ai dù ở bất cứ đâu kể cả Việt Nam muốn tìm hiểu về rượu vang đều có thể liên lạc với tác giả qua địa chỉ E-mail: Levan@levanwineclub.com