Trung Quốc kêu gọi Bắc Triều Tiên kiềm chế

Loan báo của Bắc Triều Tiên nói rằng họ dự định thực hiện một cuộc thử nghiệm võ khí hạt nhân đang gây lo ngại cho quốc gia đồng minh cuối cùng của họ là Trung Quốc. Các giới chức Trung Quốc kêu gọi Bình Nhưỡng tỏ ra bình tĩnh và kiềm chế, tuy nhiên không đi xa đến mức đưa ra lời cảnh cáo hay đe dọa thi hành bất cứ biện pháp trừng phạt nào một cách công khai đối với Bắc Triều Tiên.

Phản ứng của Bắc Kinh trước lời loan báo của Bắc Triều Tiên mang tính cách thận trọng một cách tiêu biểu. Hôm nay, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đưa ra một tuyên bố nói rằng Bắc Kinh hy vọng Bắc Triều Tiên sẽ tỏ ra bình tĩnh và kiềm chế.

Trung Quốc cũng cảnh báo các quốc gia khác đừng có hành động nào có thể làm cho tình trạng căng thẳng leo thang.

Phản ứng thận trọng này cho thấy Trung Quốc đang đứng trước tình thế khó xử trong việc đối phó với quốc gia đồng minh và lân bang cộng sản này. Một mặt, Trung Quốc muốn duy trì các quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, và ít ra cũng có ảnh hưởng nào đó đối với các hành động của Bắc Triều Tiên. Mặt khác, Bắc Kinh muốn ngăn ngừa nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il đừng gây ra một cuộc xung đột hạt nhân ở biên giới của Trung Quốc.

Trung Quốc đã chủ trì các cuộc đàm phán 6 nước nhằm chấm dứt các chương trình võ khí của Bắc Triều Tiên, tuy nhiên nói chung thì Trung Quốc vẫn kiềm chế không phê phán Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, những biến cố gần đây đã khiến Bắc Kinh dần dà bắt đầu nghiêng về phía Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác trong cuộc đối đầu với Bình Nhưỡng.

Hồi tháng 7, Bắc Kinh mặc dù miễn cưỡng, đã cùng các thành viên khác trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết lên án Bình Nhưỡng thực hiện các vụ thử nghiệm phi đạn đạn đạo.

Các nhà phân tích nói rằng loan báo của Bắc Triều Tiên hôm thứ ba về ý định thử nghiệm một võ khí hạt nhân đang tạo thêm áp lực khiến Trung Quốc phải có lập trường cứng rắn. Giáo sư chính trị học Robert Ross, một chuyên gia nghiên cứu về quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên thuộc Đại Học Boston ở Hoa Kỳ, nói rằng có lẽ ông Kim Jong Il hy vọng rằng Bắc Kinh nhận thức được là Bắc Triều Tiên không thể chịu đựng quá nhiều áp lực mà không bị suy sụp.

Về một số khía cạnh nào đó, Bắc Triều Tiên đang thách thức Trung Quốc thực sự gây khó khăn cho họ, vì Trung Quốc hiểu rằng chính những phương tiện mà Trung Quốc có thể sử dụng để đưa Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán, khiến Bình Nhưỡng phải nhượng bộ về chương trình võ khí hạt nhân chính là những cách có thể khiến cho chế độ ở Bắc Triều Tiên bị sụp đổ.

Trung Quốc là nước cung cấp lương thực và nhiên liệu chính cho Bắc Triều Tiên và có thể tạo áp lực với Bắc Triều Tiên bằng cách cắt các nguồn tiếp tế. Tuy nhiên, hành động này có thể làm suy yếu chế độ ở Bình Nhưỡng đến mức sụp đổ. Các nhà phân tích trong đó có giáo sư Ross nói rằng Bắc Kinh không muốn thấy một cuộc khủng hoảng nhân đạo sẽ khiến cho làn sóng tị nạn từ Bắc Triều Tiên tràn sang miền bắc Trung Quốc, và cũng không muốn tình hình bất ổn chính trị xảy ra ở biên giới của họ.

Bắc Triều Tiên, về một số khía cạnh nào đó tin rằng Trung Quốc không muốn điều đó xảy ra, và vì vậy sẽ Trung Quốc giảm bớt áp lực buộc Bắc Triều Tiên phải nhượng bộ.

Hoa Kỳ đang hy vọng có thể tạo áp lực có phối hợp đối với Bình Nhưỡng, tuy nhiên trong những nhận định đưa ra hôm thứ ba rõ ràng là nhắm vào Trung Quốc và Nam Triều Tiên, Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Condoleezza Rice nói rằng một cuộc thử nghiệm hạt nhân sẽ khiến cho một số nước trong vùng đánh giá lại mối bang giao với Bình Nhưỡng.

Trung Quốc chưa đưa ra một tuyên bố cụ thể nào về việc họ dự định sẽ thực thi các điều khoản về các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng sau các vụ thử nghiệm phi đạn hồi tháng 7 như thế nào.