Hai cuộc họp thượng đỉnh trong hai ngày tại Bắc Kinh và Hán Thành sẽ cho tân thủ tướng Nhật Bản một cơ hội hàn gắn quan hệ với các nước láng giềng của Nhật Bản. Tuy nhiên, đường lối ngoại giao song phương như vậy sẽ phải nhường chỗ cho các cuộc thảo luận về vấn đề các nước láng giềng của Bắc Triều Tiên nên phản ứng như thế nào nếu Bình Nhưỡng thực thi lời đe dọa của họ là cho nổ thử nghiệm một vũ khí hạt nhân.
Bắc Triều Tiên dường như đã làm hỏng cái được coi là các cuộc họp làm quen giữa thủ tướng Shinzo Abe và các đối tác của ông ở Bắc Kinh và Hán Thành.
Tân thủ tướng Nhật sẽ gặp chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và các lãnh đạo khác tại Bắc Kinh vào chủ nhật này và gặp tổng thống Nam Triều Tiên Roh Moo-hyun tại Hán Thành vào thứ hai.
Giờ đây dường như mối đe dọa của Bắc Triều Tiên cho nổ thử nghiệm một cơ cụ hạt nhân sẽ làm lu mờ những nỗ lực hàn gắn quan hệ với Trung Quốc và Nam Triều Tiên. Tuy nhiên, phát ngôn viên bộ ngoại giao Nhật Tomohiko Taniguchi nói rằng ông trù liệu sẽ có thì giờ để bàn luận về tất cả những đề tài quan trọng.
Các quan chức và các nhà ngoại giao Nhật Bản đã nổi tiếng tốt, hay có người cho là tiếng xấu, là thảo luận về tất cả mọi vấn đề trong nghị trình, và vì thế phía Nhật Bản, kể cả ông Shinzo Abe, cũng sẽ tìm cách thảo luận về mọi vấn đề đã được ấn định.
Ông Abe nhậm chức thủ tướng để thay cho ông Junichiro Koizumi vào tháng trước, đã hứa cải thiện quan hệ với các nước láng giềng của Nhật Bản. Quan hệ này đã lạnh nhạt trong suốt 5 năm tại chức của ông Koizumi.
Ngỏ lời trước quốc hội, thủ tướng Abe nói rằng đều cần thiết là phải nói thẳng thắn và xây dựng niềm tin, bởi vì nếu hai bên không nói chuyện với nhau thì sẽ gây ra hiểu lầm. Ông nói rằng ngay dù cho Nhật Bản có bất đồng ý với Trung Quốc và Nam Triều Tiên đi nữa thì các cuộc thảo luận vẫn phải tiếp tục.
Năm năm đã trôi qua kể từ khi có cuộc họp thượng đỉnh giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại Bắc Kinh. Cuộc họp thượng đỉnh cuối cùng tại Hán Thành đã diễn ra cách đây 16 tháng. Trung Quốc và Nam Triều Tiên đã không tiếp xúc với ông Koizumi, một phần là để phản đối việc ông đi thăm đền Yasukuni mỗi năm. Đây là ngôi đền tôn vinh tử sĩ của Nhật Bản, gồm cả những người bị kết tội phạm tội ác chiến tranh trong thế chiến thứ hai.
Trong mấy ngày gần đây tuy ông Abe đã làm nhẹ bớt quan điểm bảo thủ của ông về chế độ thuộc địa tàn bạo của Nhật,nhưng hành động này có lẽ chưa đủ để làm dịu bớt những kỷ niệm cay đắng của người Châu Á về sự xâm lược của Nhật Bản trong nửa đầu thế kỷ thứ 20.
Ông Yoshinori Suematsu, một dân biểu thuộc đảng Dân chủ đối lập, nói rằng đó là lý do khiến ông không trù liệu sẽ có những khai thông quan trọng tại Bắc Kinh hay tại Hán Thành.
Tôi không trù liệu sẽ có những kết quả đáng kể, ngoại trừ sự biểu dương chính trị để giúp ông Abe thoát ra khỏi vũng lầy chính trị liên quan đến ngôi đền Yasukuni và lập trường khuynh hữu của ông đối với lịch sử.
Một số đồng minh của ông Abe sẽ ca ngợi ông nếu ông giữ một lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh và Hán Thành, nhưng ông cũng sẽ gặp phải sự chỉ trích ngày càng tăng của các doanh gia trong nước. Những người nầy muốn cải thiện quan hệ ngoại giao bởi vì họ muốn có thương mại và đầu tư chứ không muốn duy trì một chủ trương dân tộc về quá khứ của Nhật Bản.