Nam Triều Tiên đã đình chỉ một số các khoản viện trợ để đáp lại việc Bình Nhưỡng tuyên bố đã cho thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Hoa Kỳ, Hán Thành, Nhật Bản, Nga và cộng đồng quốc tế đã hết sức lên án cuộc thử nghiệm. Theo tòa Bạch Ốc thì cuộc thử nghiệm này được coi như một sự khiêu khích và Trung Quốc, nước đồng minh thân cận nhất của Băc Triều Tiên, cũng lên án hành động của Bình Nhưỡng. Mời QTG theo dõi thêm chi tiết trong phần tường trình của các thông tín viên đài VOA Kurt Achin, Paula Wolfson và Luis Ramirez.
Chính phủ Nam Triều Tiên cam kết sẽ đáp ứng mạnh mẽ trước việc Bình Nhưỡng tuyên bố rằng họ đã cho thử nghiệm vũ khí hạt nhân, và bước đầu tiên của giới hữu trách Hán thành là ngưng một số viện trợ khẩn cấp về lương thực cho miền Bắc.
Sáng hôm nay Bình Nhưỡng cho biết họ đã thành công trong cuộc thử nghiệm hạt nhân. Cả Nam Triều Tiên lẫn Hoa Kỳ đều cho biết những hoạt động địa chấn tại quốc gia ở đông bắc Á này cho thấy là vụ nổ hạt nhân đã xảy ra.
Ông Yoon Tae-young, phát ngôn viên của Tổng thống Nam Triều Tiên Roh Moo-huyn, nói rằng Bình Nhưỡng sẽ phải đối phó với những hậu quả nghiêm trọng vì hành động này
Ông Yoon cho biết Nam Triều Tiên sẽ đáp ứng cứng rắn đối với cuộc thử nghiệm , phù hợp với lập trường cho là việc Bắc Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân là hành động không thể chấp nhận được.
Tại Washington, chính phủ của Tổng thống George W Bush tuyên bố nếu được xác định là đúng thì cuộc thử nghiệm hạt nhân sẽ được coi như một hành động khiêu khích, khiến cho tình trạng vốn đã căng thẳng tại vùng Đông Bắc Á trở nên tồi tệ hơn.
Tổng thống Roh Moo-huyn của Nam Triều Tiên sẽ thảo luận về việc này với Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe trong ngày hôm nay tại Hán Thành.
Trong một cú điện thoại bất thường vào nửa đêm gọi cho các cơ quan quan thông tấn, Phát ngôn viên Tòa bạch Ốc, ông Tony Snow, cho biết các cơ quan tình báo Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên đã phát hiện các hoạt động địa chấn gần khu vực bị nghi ngờ là địa điểm thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Lên tiếng vài tiếng đồng hồ sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố rằng họ đã thực nghiệm vụ thử nghiệm hạt nhân, ông Snow nói rõ rằng Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh vẫn đang theo dõi tình hình để thu thập thông tin.
Nhưng đồng thời ông Snow nhấn mạnh rằng bất cứ một vụ thử nghiệm nào của Bắc Triều Tiên cũng là hành động khiêu khích, vì đã bất chấp lời kêu gọi của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế yêu cầu họ tự chế trong các hành động khiến cho tình hình trong khu vực trở nên căng thẳng hơn.
Ông nói rằng Hoa Kỳ sẽ có hành động ngay tức khắc tại Hội động bảo an Liên Hiệp Quốc để đáp ứng điều mà ông gọi là hành động vô cớ này.
Hội đồng bảo an hôm thứ sáu vừa đưa ra một lời cảnh báo nghiêm khắc Bắc Triều Tiên hãy tự chế trong việc thử nghiệm hạt nhân, sau khi Bình Nhưỡng loan báo họ dự trù thực hiện vụ thử nghiệm.
Ông Snow nói rằng Bắc Triều Tiên đã gọi cho các giới chức Trung Quốc hồi sáng sớm hôm nay để báo tin sẽ thực hiện cuộc thử nghiệm Và không lâu sau đó thông điệp vừa kể được chuyển tới Hoa Kỳ.
Ông Snow từ chối suy đoán về hành động Hoa Kỳ sẽ đáp ứng đối với cuộc thử nghiệm và không trả lời câu hỏi liên quan đến hành động quân sự có thể được thực hiện hay không.
Ông chỉ nói rằng Hoa Kỳ tái khẳng định lời cam kết bảo vệ các đồng minh trong khu vực là Nam Triều Tiên và Nhật bản trong khi nhấn mạnh rằng giờ đay nên tập trung vào hành động của cộng đồng quốc tế qua Liên Hiệp Quốc.
Ông nói thêm rằng vẫn còn nhiều nghi vấn chưa được trả lời và cần có rất nhiều dữ kiện để xác định cuộc thử nghiệm. Theo ông thì vấn đề tùy thuộc rất nhiều vào các dữ kiện đó.
Trong khi đó thì một thông cáo trên Tân hoa xã của nhà nước Trung Quốc, chính phủ Bắc kinh nói rằng họ quyết liệt phản đối hành động của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên bản thông cáo không nói đến việc Bắc kinh sẽ có hành động ra sao.
Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Bắc Triều Tiên chớ nên thực hiện cuộc thử nghiệm. Ông Thạch Anh Hồng, giáo sư môn bang giao quốc tế tại viện đại học nhân dân ở Bắc kinh có ý kiến như sau:
Trung Quốc trước đây đã từng bị nước, có thể gọi là đồng minh của họ là Bắc Triều Tiên phản bội. Nhưng dĩ nhiên hành động lần này của Bình Nhưỡng nghiêm trọng hơn rất nhiều so với bất cứ hành động nào trước đây của Bình Nhưỡng.
Thông cáo của Trung Quốc đưa ra hôm nay quyết liệt khác thường, nói rằng Bình Nhưỡng đã hành động trơ tráo. Bình thường thì Bắc Kinh dùng những lời lẽ ôn hòa hơn đối với nước láng giềng nghèo khó này.
Theo giáo sư Thạch và các nhà phân tích thì cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể thúc đẩy Trung Quốc, nước chính cung cấp lương thực và nhiên liệu cho Bắc Triều Tiên, áp dụng các biện pháp trừng phạt gắt gao hơn là họ muốn thực hiện trước đây.
Còn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thì nói rằng vụ thử nghiệm là một đe dọa đến an ninh và sự ổn định ở Bắc Á.
Ông Abe nói rằng, chúng ta đang sống trong một khu vực hạt nhân nguy hiểm. Chính phủ của nước ông sẽ phối hợp với các nước có chung mối lo ngại cũng như Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm nghiên cứu các biện pháp cứng rắn đối với Bắc Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự định sẽ thảo luận vấn đề này tại New York trong vài giờ tới.
Nga cũng kêu gọi Bắc Triều Tiên quay trở lại tuân thủ Hiệp ước Phi Hạt nhân và chấp thuận các cuộc đàm phán quốc tế mới về chương trình hạt nhân của mình. Bắc Triều Tiên là một thành viên ký kết hiệp ước này nhưng đã rút lui vào năm 2003. Bình Nhưỡng cũng đã rút khỏi các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình vũ khí hạt nhân của mình hồi năm ngoái.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng chỉ chích vụ thử hạt nhân này của Bắc Triều Tiên. Ngoại trưởng Nga nói cộng đồng quốc tế cần áp dụng các biện pháp đáp trả lại vụ thử hạt nhân mà Bắc Triều Tiên loan báo này.
Trong một thông cáo báo chí, bộ ngoại giao Nga nói rằng hành động của Bắc Triều Tiên đe dọa đến hòa bình, ổn định và sự an toàn trong khu vực.
Cùng với Trung Quốc, Moscow vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng, tuy nhiên Nga đã không thể dùng quan hệ ngoại giao của mình để thuyết phục Bắc Triều Tiên thay đổi đường đi của họ.
Không có dấu hiệu cho thấy liệu Bộ ngoại giao Nga có ủng hộ các biện pháp cấm vận Bắc Triều Tiên vì các vụ thử hạt nhân này hay không; trước đây Moscow đã từ chối hành động này.
Tuy nhiên trong một cuộc họp nội các, Tổng thống Vladimir Putin cho thấy ông không hài lòng về những gì đã xảy ra
Ông Putin gọi hành động này là một sự kiện tồi tệ đối với người dân Triều Tiên, ông nói thêm, vụ thử đã làm tổn hại nghiêm trọng đến các nỗ lực nhằm cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.
Ông phát biểu ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Ivanov báo cáo về vụ nổ dưới mặt đất vừa được phát hiện ở Bắc Triều Tiên. Nga ước tính sức công phá của vụ nổ có thể chứa vào khoảng từ 500 đến 1500 tấn thuốc nổ.
Bắc Triều Tiên đã cam kết với Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga hồi tháng 9 rằng họ sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lại các lợi ích ngoại giao và kinh tế. Nam Triều Tiên đã trừng phạt miền Bắc vì đã vi phạm cam kết đó và hủy hoại tiến trình đàm phán 6 bên về giải trừ hạt nhân.
Nếu được khẳng định chắc chắn thì đây là lần thứ 8 Bắc Triều Tiên tuyên bố về sức mạnh hạt nhân của mình. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, Aán độ và Pakistan là những quốc gia có vũ khí hạt nhân. Isarael được cho là có vũ khí hạt nhân, tuy nhiên nước này chưa khẳng định điều này.