Ngoại trưởng Rice bắt đầu chuyến công du Châu Á

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice bắt đầu chuyến công du tới Nhật Bản, Trung Quốc, Nam Triều Tiên và Nga để tập hợp các cường quốc trong khu vực thực thi nghị quyết của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhằm buộc Bắc Triều Tiên chấm dứt các tham vọng vũ khí hạt nhân của mình. Bà Rice nói rằng bà muốn tạo áp lực để buộc Bình Nhưỡng tuân thủ bản nghị quyết mà không gây nên xung đột trong khu vực.

Tất cả các quốc gia mà bà Rice công du tới đều là các thành viên của các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Và bà cho biết mục tiêu ngoại giao của Hoa Kỳ, trong đó bao gồm bản nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua hôm thứ bảy, là nhằm đưa Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán và thực hiện thỏa thuận giải trừ vũ khí mà nước này đã chấp thuận một năm trước đây nhưng đã quay lưng lại với thỏa thuận này.

Trong một buổi trả lời các phóng viên trước chuyến công du 6 ngày tới Châu Á, bà Rice cho biết mục đích của chuyến đi này là nhằm tập hợp bạn bè và đồng minh của Hoa Kỳ cùng đưa ra chiến lược tổng thể nhằm cô lập Bắc Triều Tiên sau khi nước này tiến hành thử nghiệm hạt nhân, và ngăn chặn các hoạt động phổ biến vũ khí của nước này.

Mặc dù Trung Quốc nhất trí với bản nghị quyết về việc trừng phạt Bắc Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ 7, tuy nhiên họ không cam kết về mức độ mạnh mẽ của các biện pháp trừng phạt mà nước này dự định sẽ áp đặt, trong đó có cả một lệnh cấm buôn bán mà có thể có lợi cho chương trình của Bắc Triều Tiên.

Khi được hỏi về vấn đề này, bà Rice nói bà tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ thực hiện đúng trách nhiệm của mình:

Tôi không quan ngại rằng Trung Quốc sẽ quay lưng lại với các nghĩa vụ của họ. Tôi không cho rằng họ bỏ phiếu cho một nghị quyết mà họ không dự định thực thi . Và xin quí vị hãy nhớ rằng: không ai muốn thấy việc trao đổi buôn bán các loại nguyên liệu nguy hiểm hay vũ khí hủy diệt hàng loạt. Điều này, nếu xảy ra, sẽ gây bất ổn định đến chính những nước láng giềng hơn là đến lợi ích của Hoa Kỳ.

Bà Rice nói bà hoàn toàn mong đợi rằng Sáng kiến Cấm phổ biến Vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ, PSI, sẽ là một phần nỗ lực nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên bà cũng cho biết bà rất chú ý đến những quan ngại rằng việc cấm các tàu thuyền của Bắc Triều Tiên sẽ làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực, và bà nói thêm rằng Hoa Kỳ cũng không mong muốn làm gia tăng các cuộc xung đột.

Bà cho biết mức độ Sáng kiến PSI sẽ được áp dụng như thế nào trong trường hợp của Bắc Triều Tiên sẽ là một vấn đề cần thảo luận. Được bắt đầu vào năm 2003, Sáng kiến PSI nhằm kiểm soát các vụ vận chuyển vũ khí hủy diệt hàng loạt, các hệ thống phân phối và các nguyên liệu để sản xuất loại vũ khí này, hiện nay có 75 nước thành viên tham gia trong đó có cả Nhật Bản.

Bà Ngoại trưởng đã bảo vệ việc giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên của chính quyền của Tổng thống Bush, trong đó bao gồm cả việc từ chối đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng bên ngoài khuôn khổ 6 nước.

Năm 1994 chính quyền của tổng thống Bill Clinton đã đàm phán một thỏa thuận song phương nhằm đình chỉ chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, tuy nhiên thỏa thuận này đã bị đổ vỡ vào năm 2002, khi đó Hoa Kỳ đã cáo buộc Bắc Triều Tiên về tội lừa dối.

Bà Rice khẳng định rằng tình hình hiện nay, đã đưa đồng minh lâu đời và là nước ủng hộ chính của Bắc Triều Tiên là Trung Quốc vào nhóm các quốc gia áp dụng các biện pháp trừng phạt, đây là cơ hội thật sự để thuyết phục Bình Nhưỡng thay đổi kế hoạch của họ:

Tôi cho rằng mọi người sẽ nghĩ đây là một biến đổi, xét đến lịch sử của Trung Quốc, xét đến truyền thống của Trung Quốc về những vấn đề như hiện nay, xét đến quan hệ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Đơn giản là chúng ta ở một vị thế mạnh mẽ hơn để cố gắng làm được một điều gì đó về chương trình của Bắc Triều Tiên, một chương trình và một sự theo đuổi vũ khí hạt nhân đã kéo dài nhiều thập niên nay, với sự phối hợp của các quốc gia mà có thể đưa ra cả lời khuyên lẫn các biện pháp trừng phạt tại bàn đàm phán, điều này sẽ tốt hơn là Hoa Kỳ đơn phương đàm phán.

Bà Rice cũng cho biết Iran, nước mà Hoa Kỳ tin rằng có chương trình vũ khí hạt nhân, đang theo dõi trường hợp của Bắc Triều Tiên và có thể thấy rằng cộng đồng thế giới sẽ đáp trả các đe dọa phổ biến vũ khí. Bà nói bà hy vọng Hội đồng Bảo an sẽ bắt đầu thảo luận về nghị quyết trừng phạt đối với Iran trong tuần này.