Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN, đã đạt được thỏa thuận về những nét chính của bản hiến chương dự kiến sẽ ra đời vào cuối năm nay. Thỏa thuận liên quan tới việc soạn thảo “tiểu hiến pháp” ASEAN được loan báo hôm thứ bảy tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Philippin giữa lúc hiệp hội này gặp phải nhiều áp lực để từ bỏ nguyên tắc bất can thiệp đã được áp dụng trong gần 40 năm qua.
Các nhà lãnh đạo ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh Cebu đã họp với Nhóm những nhân vật nổi tiếng (Eminent Person Group) về Hiến chương ASEAN, trong đó có cựu tổng thống Fidel Ramos của Philippin và cựu phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm của Việt Nam. Đây là nhóm công tác được lập ra sau hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Malaysia hồi cuối năm 2005 và có nhiệm vụ “xem xét những ý tưởng được gọi là “có tính chất táo bạo và có tầm nhìn xa” để giúp cho ASEAN được vững mạnh hơn.
Hôm thứ bảy, nhóm EPG đã đưa ra bản tóm lược của báo cáo dài 50 trang nói về những điểm chính cần được bao gồm trong hiến chương. Một trong những điểm được nhiều người xem là nổi bật nhất là các nước hội viên có thể bị trừng phạt nếu không tuân thủ những qui định của ASEAN hoặc không thực thi những chính sách do hiệp hội này đề ra. Lâu nay, ASEAN vẫn có những quyết định dựa trên nguyên tắc đồng thuận và tuân thủ một cách cứng nhắc nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước hội viên. Truyền thống này đang bị thách thức trước những đòi hỏi phải có quyết định nhanh chóng và có biện pháp đối phó với những nước hội viên gây tổn hại cho quyền lợi của cả khối.
Đại sứ Victoriano Lecaros, phát ngôn viên hội nghị Cebu, cho biết các nhà lãnh đạo đã dành nhiều thời giờ để bàn về vấn đề quan trọng này:
Họ đã bàn về những điểm cụ thể của hiến chương ASEAN. Dĩ nhiên là tại thời điểm này chúng tôi có nhiều mối quan tâm khác, cả ngắn hạn lẫn trung hạn, nhưng hiến chương ASEAN là vấn đề liên quan tới quyền lợi lâu dài của các nước liên hệ. Vấn đề này cũng thu hút rất nhiều sự chú tâm của mọi ngươì vì đây sẽ là lần đầu tiên ASEAN có một một hiến chương như vậy.
Cựu tổng thống Ramos của Philipin đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hiến chương ASEAN trong cuộc tiếp xúc với báo giới hồi tối thứ Sáu. Ông nói:
Chúng ta soạn thảo hiến chương này không phải cho thời đại chúng ta mà cho thế hệ kế tiếp và cho cả thế hệ sau đó nữa. Bởi vì chúng ta sẽ bị tụt hậu trừ phi chúng ta trù liệu cho ASEAN vào hoàn cảnh của một, hai thế hệ sau này ngõ hầu hiến chương ASEAN vẫn tiếp tục có giá trị và tiếp tục phục vụ quyền lợi của các nước hội viên.
Trong văn kiện trình hội nghị thượng đỉnh, nhóm EPG nói rằng ASEAN có tiềm năng đạt được những thành quả to lớn hơn nữa và hiến chương ASEAN sẽ cung cấp cơ sở pháp lý và khung sườn thiết chế để đạt mục tiêu này. Ngoài đề nghị liên quan tới việc chế tài, hai đề nghị quan trọng khác của EPG là thành lập một Hội đồng ASEAN làm cơ quan cao nhất có quyền làm ra quyết định cho cả khối, và cải tổ Ban Thư ký ASEAN hiện nay để lập ra một Ban Đại diện Thường trực ASEAN, dựa trên mô hình của Cộng đồng Âu Châu.
Trong cuộc họp báo tối thứ sáu ở Cebu, Cựu phó thủ tướng Shunmugam Jayakumar của Singapore, một trong những nước cổ xướng cho việc soạn thảo hiến chương ASEAN, cho biết rằng ASEAN có nhiều điều có thể học hỏi từ Liên hiệp Âu Châu. Sau đây là vài lời của ông Jayakumar:
Tôi xin thú thật với quí vị rằng từ khi thăm Liên hiệp Âu Châu và nhìn cách làm việc của họ tôi nghĩ rằng mô thức của liên hiệp này không thích hợp với ASEAN. Đôi bên có rất nhiều khác biệt trong nhiều lãnh vực, khác biệt về hệ thống, về bối cảnh vân vân. Nhưng khi nào chúng ta thấy rằng có những gì của E.U. mà thích hợp cho ASEAN thì chúng ta cần phải dùng để phục vụ cho mục tiêu của mình.
Đại sứ Lecaros cho hay một nhóm có tên “Lực lượng đặc nhiệm cấp cao về Hiến chương ASEAN” đã được thành lập hồi tháng 12 vừa qua. Giờ đây họ được giao phó trách nhiệm để soạn thảo bản tiểu hiến pháp trong vòng 10 tháng với hy vọng là hiến chương sẽ được chính thức ký kết tại hội nghị thượng đỉnh kế tiếp, sẽ được tổ chức vào tháng 11 ở Singapore.