Với khoảng 200 ngàn người sinh sống và làm việc tại một nước có dân số ước chừng 23 triệu người, cộng đồng người Việt tại Đài Loan là một trong những cộng đồng người Việt ở nước ngoài lớn nhất trên thế giới. Cộng đồng của những “khúc ruột ở xa” này đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong cuộc sống ở xứ người, trong đó có nạn nô lệ lao động, nạn mua bán phụ nữ, cùng với nhiều tệ nạn khác mà phần lớn các cộng đồng của người Việt ở những nước khác không phải đương đầu. Mời quí vị theo dõi một số chi tiết về cộng đồng của những người Việt chịu nhiều thiệt thòi này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu:
Những sự biến thiên về xã hội và kinh tế của Việt Nam và Đài Loan trong khoảng 20 năm qua đã có một hệ quả bất ngờ, đó là sự hình thành của cộng đồng người Việt lên tới gần 200 ngàn người ở Đài Loan, nơi mà vào giữa thập niên 1980 chỉ có khoảng 100 người Việt sinh sống.
Những nỗ lực cải cách kinh tế mà giới hữu trách Hà nội thực hiện từ năm 1986 đã mang lại những thành quả khá ngoạn mục và đã tạo ra một tầng lớp mới của những người giàu có. Tuy nhiên, hố chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng cũng đã khơi dậy giấc mơ “ra nước ngoài để đổi đời” trong lòng của nhiều thanh niên Nam nữ nghèo khó ở Việt Nam, phần lớn là những người ở thôn quê đang mong muốn có được một cuộc sống tốt đẹp hơn và hy vọng là trong lúc ở nước ngoài họ có thể dành dụm được chút ít tiền bạc để giúp đỡ cho gia đình.
Cũng trong cùng thời gian này, sự giao tiếp giữa Đài Loan với Việt Nam đã tăng mạnh, một phần là nhờ vào chính sách Nam Tiến mà giới lãnh đạo ở Đài Bắc khởi xướng hồi đầu thập niên 1990 nhằm tăng cường các mối quan hệ về kinh tế và thương mại với các nước vùng Đông Nam Á để tránh nguy cơ lệ thuộc quá nhiều vào công cuộc giao thương với Trung Quốc.
Đài Loan đã trở thành quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam và các thương gia cùng với khách du lịch của đảo quốc này đã ồ ạt rủ nhau kéo tới Việt Nam. Và cũng tương tự như tình trạng ở các quốc gia công nghiệp khác trên thế giới, công cuộc phát triển kinh tế của Đài Loan đã làm phát sinh nhu cầu về lao động nhập cư và làm gia tăng số người đàn ông tìm không ra người phối ngẫu ở trong nước.
Những biến thiên vừa kể đã hội tụ để đưa tới việc hình thành cộng đồng người Việt ở đảo quốc này, với phân nửa là những phụ nữ lấy chồng Đài Loan và phần còn lại là những người vẫn thường được gọi là “lao động xuất khẩu”, trong đó phần lớn là những công nhân ở các công xưởng, những người giúp việc nhà, và những người chăm sóc cho người già ở tư gia hoặc ở các viện dưỡng lão.
Một phần vì bối cảnh và thành phần kết cấu đặc thù như vậy, cộng đồng người Việt ở Đài Loan đã trở thành một khối người mà các nhà xã hội học gọi là “nhóm yếu thế” và dễ trở thành nạn nhân của những tệ nạn hiếm khi xảy ra cho những người Việt ở các nước khác, như nạn phân biệt đối xử, nô lệ lao động, và mua bán phụ nữ.
Cô Lệ Phương, một phụ nữ Việt Nam đã sống ở Đài Loan hơn 16 năm, cho biết rằng: có nhiều “cô dâu Việt Nam” tìm được một cuộc sống hạnh phúc nhưng họ thường bị người dân địa phương khinh rẻ.
Trong khi đó, các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng nhiều phụ Việt Nam ở Đài Loan đã trở thành nạn nhân của nạn mua bán phụ nữ và nạn nô lệ tình dục. Đời sống hôn nhân của nhiều người cũng bị mất hạnh phúc hoặc bị đỗ vỡ, chủ yếu là vì sự kết hợp vợ chồng của họ vốn phát xuất từ những yếu tố không thuộc về tình cảm.
Về phần những người sang Đài Loan theo diện lao động, một phụ nữ quê ở Hà Tây đã than oán như sau khi thuật lại về hoàn cảnh bị bóc lột, bị ngược đãi không khác gì một người nô lệ mà chị đã phải trải qua.
Những thảm trạng của cô dâu nước ngoài và lao động nhập cư ở Đài Loan nói chung, và của cộng đồng người Việt ở đây nói riêng, đã khiến chính phủ Đài Loan bị nhiều người chỉ trích. Bản phúc trình về Nạn Mua Bán Con Người mà Bộ ngoại giao Hoa kỳ công bố hồi tháng 7 năm ngoái đã liệt kê Đài Loan vào danh sách các nước bị quan sát.
Ông Liêu Nguyên Hào, giáo sư luật của Đại học Chính trị Đài Loan, tán đồng sự đánh giá của Hoa kỳ đối với nạn mua bán con người ở Đài Loan. Ông cho rằng giới hữu trách Đài Loan chẳng những lơ là trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động nhập cư mà chính bản thân những luật lệ ở đây cũng có những điều không hợp lý, khiến cho nhiều người trở thành nạn nhân của nạn nô lệ lao động.
Luật lệ hiện nay quy định rằng lao động nhập cư không được đổi chủ. Cho dù quan hệ có xấu tới mức nào đi nữa thì, trên nguyên tắc, người làm công cũng không được chuyển sang làm việc cho một người chủ khác. Bất kể là người chủ đối xử tệ hại đến đâu đi nữa thì người làm công vẫn phải cắn răng mà chịu, vì một khi đã bỏ hợp đồng thì phải về nước.
Trong khi đó, theo các ước tính sơ khởi, những người lao động đến từ Việt Nam phải làm việc cho tới năm thứ ba mới bắt đầu dành dụm được tiền, vì tiền họ kiếm được trong hai năm đầu chỉ đủ để trả tiền môi giới. Vì thế cho nên nhiều tổ chức phi chính phủ và các học giả không ngớt đả kích chính phủ và nói rằng toàn bộ chế độ lao động nhập cư của Đài Loan là nô lệ lao động, là cưỡng bức lao động.
Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để nghe hoặc tải xuống toàn bộ bài tường trình: