Chế độ lao động nhập cư có nhiều chỗ không hợp lý của Đài Loan cộng với nạn thu phí môi giới quá cao đã khiến cho nhiều đồng bào Việt Nam sang Đài Loan làm việc trở thành nạn nhân của nạn nô lệ lao động. Nhiều người đã phải bỏ trốn để rồi trở thành đối tượng bị nhà chức trách Đài Loan ruồng bắt và bị những người chủ và những người môi giới bắt chẹt nhiều hơn.
Ông Thái Mạnh Lương, Giám đốc Phòng Lao động Nhập cư của bộ Lao động Đài Loan, cho biết hiện nay số nhân công Việt Nam bỏ trốn đã lên tới hơn 10 ngàn người, chiếm hơn phân nửa lao động nước ngoài bỏ trốn ở Đài Loan. Ông cũng cho biết thêm như sau về một số nỗ lực của giới hữu trách ở Đài bắc nhằm ngăn chận tệ nạn ngược đãi và bóc lột công nhân di trú:
Ông Thái Mạnh Lương: Đối với việc một số tổ chức quốc tế tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả của những biện pháp mà chúng tôi đã áp dụng để ngăn chận nạn cưỡng bách lao động, tôi xin thưa như thế này: năm ngoái chúng tôi đã bắt đầu gia tăng đáng kể số nhân viên phụ trách vấn đề lao động của các chính quyền địa phương. Mục đích nhắm tới là mỗi khi có khiếu nại của người lao động, chúng tôi có thể điều tra ngay để tìm cách giải quyết. Chúng tôi cũng vừa đặt ra một quy định mới là mỗi khi có người lao động nước ngoài tới làm việc, người chủ phải thông báo cho chính quyền địa phương trong vòng 3 ngày, và chính quyền địa phương trong vòng 60 ngày phải thực hiện một kiểm tra đột xuất để xác định xem người lao động nhập cư có gặp phải tình trạng cưỡng bách lao động hay không hoặc có phát sinh vấn đề gì hay không.
Ông Thái Mạnh Lương cho biết thêm rằng: năm ngoái, chính phủ Đài Loan đã ban bố một mệnh lệnh hành chánh để yêu cầu người chủ thông báo ngay cho chính quyền huyện mỗi khi hủy bỏ hợp đồng với người lao động nhập cư. Nhân viên của chính quyền có bổn phận đến hỏi ý kiến của người lao động nhập cư đối với việc hủy hợp đồng và nếu có khiếu nại, giới hữu trách sẽ tìm nơi tá túc cho đương sự để đợi kết quả điều tra và để giải quyết.
Ông Thái Mạnh Lương cũng cho biết: cảnh sát cũng lập một quầy làm việc tại phi trường Đào Viên để những người lao động nhập cư có thể đến xin can thiệp trong trường hợp bị môi giới hay người chủ ép buộc về nước mà không có lý do chính đáng. Người đại diện của Bộ Lao động Đài Loan nói thêm rằng: chính phủ đã dành riêng ngân sách để thành lập Quĩ Hỗ Trợ Pháp Lý và thông qua các chương trình phát thanh, như chương trình Việt ngữ của đài phát thanh quốc tế Đài Loan RTI, để cung cấp những thông tin và những sự trợ giúp cần thiết cho những lao động nhập cư bị ngược đãi.
Linh mục Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Văn phòng Trợ giúp Pháp lý Công nhân và Cô dâu Việt Nam tại Đài Loan, cũng xác nhận một số nỗ lực mà ông gọi là sự nhân nhượng của giới hữu trách Đài bắc. Vị tu sĩ được Bộ Ngoại giao Hoa kỳ tuyên dương là một vị anh hùng của cuộc chiến chống nạn buôn người cho biết như sau:
Linh mục Nguyễn Văn Hùng: Trong thời gian vừa qua, chính phủ Đài Loan đã có một số nhân nhượng, thay đổi. Những người công nhân bị hãm hiếp, sách nhiễu tính dục, lúc trước chỉ được đổi chủ 3 lần, không được thì về nước. Bây giờ, sau khi chúng tôi làm áp lực, họ được đổi chủ và đổi chủ qua làm việc hãng xưởng chứ không làm việc nhà nữa. Họ có quyền đổi chủ cho tới khi nào có chủ nhận họ. Còn các công nhân bị đưa đi làm việc phi pháp cũng vậy. Họ được đổi qua làm việc công xưởng và được phép đổi chủ cho tới khi nào có chủ nhận họ. Riêng những công nhân làm việc săn sóc việc nhà mà bị chủ đuổi, lúc trước họ chỉ được đổi chủ hai lần. Bây giờ họ được phép đổi chủ 6 lần.
Vị Linh mục từng giúp đỡ cho hàng ngàn người Việt Nam gặp phải tình trạng khó khăn ở Đài Loan cho biết thêm rằng những thay đổi này là do áp lực của quốc tế, đặc biệt là của chính phủ Hoa Kỳ.
Linh mục Nguyễn Văn Hùng: Theo kinh nghiệm bản thân của tôi và trong quá trình làm việc chung với các tổ chức phi chính phủ khác, có thể nói rằng chính phủ Đài Loan cũng như các bộ phụ trách việc giải quyết những việc liên quan tới vấn đề của người lao động hoặc cô dâu hầu như không để ý, không có thực tâm lưu tâm đến nguyên nhân của tệ trạng này, cho đến khi chính phủ Hoa Kỳ đưa Đài Loan vào danh sách hạng hai của các nước bị quan sát về nạn mua bán con người.
Linh mục Nguyễn Văn Hùng cho rằng trong thời gian vừa qua, chính phủ Đài Loan đã có thái độ nghiêm chỉnh hơn trong việc đặt lại vấn đề để tìm cách giải quyết.
Liên quan tới vấn đề người lao động nhập cư phải trả tiền môi giới quá cao, ông Thái Mạnh Lương của Bộ Lao động Đài Loan cho biết vào hạ tuần tháng giêng rằng chính phủ ông đang ra sức hợp tác với các nước cung ứng lao động để giải quyết vấn đề này. Ông nói:
Chúng tôi hy vọng rằng khoản tiền môi giới mà những người lao động nhập cư phải trả ở nước ngoài sẽ được hợp lý hóa. Chúng tôi không muốn thấy cảnh họ bị bóc lột, bị thu phí quá mức. Chúng tôi đang ra sức làm việc để đạt được một sự đồng thuận về vấn đề này với các nước cung ứng lao động.
Những nỗ lực vừa kể của giới hữu trách Đài Bắc đã đạt được một số kết quả, ít ra là về phần liên quan tới công nhân người Việt. Tin tức báo chí Việt Nam cho biết: trung tuần tháng 2 vừa qua, Bộ Lao động Việt Nam đã ban hành quyết định về việc quy định mức phí môi giới xuất khẩu lao động tại một số thị trường. Về phần thị trường Đài Loan, giới hữu trách Hà Nội có qui định mức phí tối đa như sau: 1 ngàn 500 đô la đối với công nhân nhà máy, xây dựng cho hợp đồng hai năm, được gia hạn thêm một năm; 1 ngàn đô la đối với những người giúp việc nhà, chăm sóc sức khỏe có hợp đồng 2 năm, và những công nhân phục vụ trên tàu đánh cá không phải đóng phí môi giới.