Tại Ấn Độ, đất nước đông dân thứ hai trên thế giới, đang xảy ra tình trạng nữ thiếu nam thừa. Một nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là hầu như đa số người Ấn Độ đều xem con gái là một gánh nặng tài chánh đối với gia đình. Tư tưởng trọng nam khinh nữ đó đã dẫn đến việc hàng triệu thai nhi nữ bị phá bỏ, thậm chí có những trường hợp các trẻ sơ sinh gái bị giết bỏ.
Dân số Ấn Độ đang rơi vào tình trạng mất cân đối về giới tính: Nữ thiếu, nam thừa. Theo thống kế của chính phủ, tỉ lệ hiện nay là 930 bé gái trên 1,000 bé trai. Tư tưởng trọng nam khinh nữ xuất phát từ nhận thức con trai sẽ tiếp tục nối dõi tông đường. Đồng thời tại Ấn Độ người ta còn xem con gái là một gánh nặng tài chánh vì khi gả chồng, gia đình nhà gái phải có của hồi môn, thường là rất lớn, để trao cho gia đình nhà trai.
Học giả Sabu George, một nhà hoạt động tích cực, nói rằng những tiến bộ của y khoa ngày nay đã cho phép các cặp vợ chồng biết được giới tính của thai nhi trước khi đưa trẻ ra đời.
Ở đất nước của chúng tôi, siêu âm vô tình trở thành một loại vũ khí giết người hàng loạt. Thay vì phương tiện này dùng để cứu mạng, thì ngược lại, điều mà chúng tôi khám phá ra là hàng triệu thai nhi nữ bị phá bỏ trước khi chúng chào đời.
Dùng phương tiện siêu âm để xác định giới tính của thai nhi bị cấm tại Ấn Độ, song theo bà Corrine Woods của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc, thì rất khó có thể ngăn cấm được cách làm này.
Trong thực tế luật cấm này không được tôn trọng. Các thai sản khám khi xét nghiệm bằng siêu âm xong sẽ được trao cho một cây kẹo màu hồng hoặc màu xanh.
Cây kẹo màu hồng thường là tín hiệu của yêu cầu phá thai, nhất là trong giới có nhiều tiền của tại Ấn Độ.
Trong bối cảnh kinh tế và xã hội tại nước này đang ngày càng phát triển, tình trạng “khinh nữ” lại càng trở nên nghiêm trọng hơn, một phần là vì đa số các gia đình có học thức có rất ít con cái, và số ít con cái đó đã được chắc lọc từ việc loại bỏ bớt con gái đi.
Ông George và các nhà nghiên cứu khác cho biết trung bình cứ 25 thai nhi nữ thì 1 bị phá bỏ, và ước tính mỗi năm có khoảng nửa triệu ca phá thai như vậy. Nhiều cặp vợ chồng không có tiền để sử dụng các dịch vụ y khoa có thể tự làm lấy việc phá thai. Ngay cả chính phủ nước này cũng thừa nhận rằng tại các vùng quê nhiều trẻ sơ sinh gái bị bóp cổ hay làm ngạt thở cho chết, và thậm chí bị chôn sống khi vừa chào đời.
Thường các bé gái vượt qua được thời kỳ sơ sinh lại bị chết sớm khá nhiều, do cha mẹ của chúng cho ăn uống ít hơn và không chăm sóc sức khỏe cho chúng chu đáo như các anh em trai trong nhà.
Bà Woods của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc nhận định như sau.
Hình thành nếp văn hóa quý trọng con gái ngay tại cấp làng xã ở thôn quê là một việc làm cấp thiết. Đồng thời phải tạo nên nếp văn hóa mà các hội phụ nữ trong làng xã lên tiếng rằng “không được làm như vậy.” Đó là một điều cần phải thực hiện.
Mặc dù có nhiều biện pháp chính trị và pháp lý được áp dụng, song các nhà hoạt động tích cực nói rằng quá trình thay đổi thái độ trọng nam khinh nữ sẽ tiến triển rất chậm.
Khi nào thái độ trọng nam khi nữ này vẫn kéo dài, thì số thai nhi nữ bị phá bỏ vẫn tiếp tục gia tăng. Và trong vòng 10 năm nữa chúng ta có thể sẽ vượt qua Trung Quốc đứng về phương diện nước có số thai nhi nữ bị phá bỏ nhiều nhất thế giới.
Các khoa học gia chuyên về các vấn đề xã hội báo động về tình trạng phân hóa này sẽ dẫn đến những hậu quả tại hại về lâu về dài. Các chuyên gia này nói rằng lịch sử đã cho thấy các xã hội có tỉ lệ nam cao hơn nữ đã dẫn đến tình trạng các chàng trai lớn lên không hy vọng kiếm được vợ đã khiến cho cuộc sống của họ không ổn định và dễ đi đến những hành vi tội phạm và bạo động