Nhiều nước ở Nam Á bị xếp là tham nhũng nhất thế giới

Nhiều nước ở Nam Á một lần nữa lại bị sắp gần hạng chót trong một cuộc thăm dò hàng năm đáng tin cậy về nhận xét của thế giới liên quan đến vấn đề tham nhũng trong guồng máy công quyền.

Những ai đang sống và kinh doanh tại Nam Á đều không ngạc nhiên khi thấy rằng khu vực này có những nước được xem là tham nhũng nhất thế giới.

Cơ quan Minh Bạch Quốc Tế, có trụ sở tại Berlin, vừa công bố một bản phúc trình hàng năm về chỉ số tham nhũng.

Theo cuộc thăm dò này thì Miến Điện dưới sự cai trị của nhà cầm quyền quân sự, đã bị sắp đồng hạng với Somalia, một nước gần như vô luật pháp ở Đông Phi, và là những nước tham nhũng nhất thế giới.

Trong số 180 nước được xem xét, Bangladesh được sắp hạng 162, và Pakistan đứng thứ 138, nghĩa là thấp hơn Nepal đến 7 hạng.

Chỉ số của cơ quan Minh Bạch Quốc Tế được xác định dựa trên những cuộc thăm dò của các chuyên gia trong các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Năm nay Bhutan đã bị xuống hạng so với những năm trước, tuy nhiên Bhutan vẫn là nước được xếp vào hạng cao nhất trong khu vực, với hạng 46. Ấn Độ đã được sắp đồng hạng với Trung Quốc và 6 nước khác ở hạng 72, và đứng cao hơn Sri Lanka ở hạng 94. Trong năm ngoái Ấn Độ đã được sắp hạng thứ 70, tuy nhiên chỉ có 163 nước đã đượcxem xét trong cuộc thăm dò đó.

Theo lời bà Alexandra Wrage, Chủ tịch Hiệp Hội Theo Dõi Quốc Tế, một tổ chức gồm nhiều hội đoàn cam kết bài trừ tham nhũng trên thế giới, thì bà nhận thấy có lý do để lạc quan tại một số nước ở Nam Á

"Thí dụ như Ấn Độ, có nhiều người cảm thấy không hài lòng với tốc độ thực hiện sự minh bạc tại nước này. Và vì vậy chúng tôi mới thấy được tiến bộ. Còn tại những nước như Miến Điện, nơi mà người dân ít có tiếng nói được tổ chức, thì chúng tôi thấy ít có tiến bộ hơn. Và thật ra thì đây là những nước có thứ hạng rất thấp trong danh sách này."

Những nước được xem là trong sạch nhất, xét về mặt không làm điều gì sai trái trong lãnh vực công, là New Zealand, Đan Mạch và Phần Lan. Hoa Kỳ đứng hạng 20, tức là đứng giữa Pháp và Bỉ.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng nhiều nước giàu hơn, nơi vốn được xem là ít tham nhũng hơn, cũng có một phần trách nhiệm về tình trạng tham nhũng cố hữu tại các nước đang phát triển.

Theo lời bà Wrage của Hiệp Hội Theo Dõi Quốc Tế thì các công ty đa quốc thường hay than phiền rằng họ đã phải hối lộ cho các quan chức chính phủ tại Nam Á và tại các khu vực đang phát triển khác.

Bà Wrage nói: "Nếu ta nói chuyện với các chính phủ thì dĩ nhiên họ sẽ nói rằng chúng tôi đang tìm cách làm trong sạch guồng máy công quyền và mang lại sự minh bạch nhiều hơn, tuy nhiên đó là lúc mà các công ty đa quốc phải có những chiếc cặp đầy tiền mặt."

Trong bản phúc trình hàng năm của mình, cơ quan Minh Bạch Quốc Tế đã kêu gọi các nước có số điểm thấp hãy nâng cao tinh thần trách nhiệm trong các định chế công quyền. Cơ quan này cũng yêu cầu các nước được sắp hạng cao hãy có hành động, nhất là đối với nạn tham nhũng trong lãnh vực tư doanh, cả ở trong nước lẫn nước ngoài.