Trong tuần qua, khi những cuộc biểu tình đòi dân chủ qui tụ hàng mấy mươi ngàn người diễn ra ở Rangoon, nhiều người hy vọng rằng phong trào mà họ gọi là "Cuộc Cách Mạng Tăng Bào" do các nhà sư lãnh đạo sẽ mang lại dân chủ cho Miến Điện -- tương tự như thành quả mà các vị tu sĩ Công giáo ở Philipin đã đạt được trong "Cuộc Cách Mạng Sức Mạnh Nhân Dân" hay còn gọi là "Cuộc Cách Mạng Chuỗi Mân Côi" lật đổ Tổng thống độc tài Ferdinand Marcos hồi năm 1986. Hy vọng này đã giảm bớt sau khi chính quyền quân nhân Miến Điện ra lệnh cho binh sĩ nổ súng giết hại các nhà sư và đồng bào của mình. Tuy nhiên, trong giới những người tranh đấu cho dân chủ Việt Nam, đặc biệt là những nhân vật thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, cao trào dân chủ ở Miến Điện là một niềm khích lệ lớn lao. Mời quí thính giả theo dõi thêm chi tiết qua cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Ái, Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế ở Paris.
Xin chào ông Võ Văn Ái. Trước hết, chúng tôi xin cám ơn ông đã có nhã ý dành thời giờ để cho chúng tôi phỏng vấn trong lúc ông rất bận rộn với những cuộc tiếp xúc, hội họp tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York. Câu hỏi thứ nhất mà chúng tôi xin được nêu lên là Phật giáo Việt Nam có lập trường hay thái độ như thế nào trước sự đàn áp đang diễn ra của chính quyền quân nhân Miến Điện đối với các tăng sĩ tranh đấu cho dân chủ.
Chúng tôi nhận được tin là có sự đàn áp, và chắc chắn là trong những ngày tới rất là khốc liệt. Bởi vì đây chính là sự sống còn của một chế độ quân phiệt đứng trước một cao trào dân chủ rất lớn, và lần đầu tiên, hàng nghìn chư tăng ni của Miến Điện đã xuống đường. Hiển nhiên, trong tư thế của Phật giáo đồ Việt Nam trong và ngoài nước chắc chắn là tất cả Phật giáo đồ Việt Nam đều hậu thuẫn cho cuộc xuống đường của chư tăng ni Miến Điện để đòi hỏi tự do nhân quyền và dân chủ. Bởi vì nhân dân Miến Điện cũng như nhân dân Việt Nam đã bị sống quá lâu dưới ách độc tài quân phiệt hay là độc tài toàn trị, cho nên hai khối nhân dân chia sẻ nỗi thống khổ bị áp bức.
Thưa ông, với tư cách là người phát ngôn của giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bị chính quyền Hà nội cấm hoạt động, ông có cảm nghĩ gì khi thấy binh sĩ Miến Điện nổ súng bắn chết các nhà sư và đồng bào của họ?
Ngoài sự liên đới về vấn đề dân chủ và tự do thì Phật giáo đồ Việt Nam cũng có liên hệ máu thịt với chư tăng ni của Miến Điện trong giáo lý cứu khổ của Đức Phật. Theo giáo luật Phật chế từ gần 3 nghìn năm qua thì chư tăng và chư ni không được làm chính trị. Nhưng sự kiện hàng nghìn tăng ni đã xuống đường để đòi hỏi cho ngưỡng vọng của nhân dân Miến Điện thì điều đó chứng tỏ là tình hình đã quá nghiêm trọng tại Miến Điện. Điều đó cũng làm cho tôi liên tưởng tới sự đấu tranh của nhị vị Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Quảng Độ để nói lên ngưỡng vọng tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ của nhân dân Việt Nam đã bị lăng nhục và bị đàn áp suốt 32 năm qua.
Trong vài tháng qua giới hữu trách Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch rầm rộ trên báo chí để đả kích việc các vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất giúp đỡ cho dân oan khiếu kiện ở Sài gòn và Hà nội. Vừa rồi, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết cũng phát biểu tại Tây Tây Lan rằng những người tranh đấu đòi nhân quyền và dân chủ chỉ là một thiểu số muốn phá hoại đất nước, muốn gây cảnh máu đổ. Xin ông cho biết ý kiến về việc này.
Tôi thấy rằng lời tuyên bố của ông Nguyễn Minh Triết tại Tây Tây Lan, cũng như tất cả những sự vu cáo trắng trợn đối với Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hay là Thượng Tọa Thích Không Tánh, chứng tỏ rằng nhà cầm quyền Việt Nam đã quá chính trị hóa vấn đề. Thực ra cái vấn đề nó hết sức đơn giản. Đạo Phật, như tôi đã trả lời lúc nãy, là Đạo Cứu Khổ. Thành ra, Hòa Thượng Thích Quảng Độ cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thấy cái sự kiện dân oan hết sức là thống khổ về vật chất cũng như về tinh thần. Mà đây là một cuộc bùng nổ xã hội, một phản ứng từ thôn làng của Việt Nam trải qua trên hai mươi năm rồi chứ không phải là một cái chuyện mới xảy ra. Đứng trước cảnh đau khổ đó của người dân thì tức nhiên các Ngài chỉ nghĩ đến vấn đề là làm sao cứu khổ cho những người đang thiếu thốn về vật chất. Nó thể hiện tinh thần cứu khổ, từ bi của Phật giáo. Nó không phải là sự xúi xiểm như là nhà cầm quyền Hà nội hay là báo chí truyền thanh truyền hình nói rằng Hòa Thượng Thích Quảng Độ thúc đẩy quần chúng biểu tình. Làm gì có chuyện đó. Bởi vì tôi nhớ là từ Đồng bằng sông Cửu long từ năm 1988 đã có từ 100 đến 300 người hàng ngày lên Sài gòn ra Hà nội khiếu kiện. Và sự kiện bùng nổ ở Thái Bình xảy ra năm 1997. Nó chứng tỏ có một vấn đề hết sức trầm trọng tại Việt Nam - đó là vấn đề nông dân. Mà nông dân chiếm tới 80% dân số của Việt Nam và 75% dân số lao động là 45 triệu người. Tôi thấy đây là một vấn đề rất trầm trọng mà nhà cầm quyền Cộng Sản đã không lưu tâm để giải quyết mà chỉ dùng hình thức gọi là giuồn gió bẻ măng để tìm cách trước nhát là đổ tội cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và Hòa Thượng Thích Quảng Độ và đồng thời cũng thông qua cái chủ trương giuồn gió bẻ măng này để tiêu diệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất - là giáo hội đang đấu tranh cho tự do tôn giáo cho nhân quyền và dân chủ. Chúng tôi bác bỏ luận điểm của người Cộng Sản vu cáo trắng trợn những tấm lòng của các vị cao tăng Phật giáo chỉ muốn cứu khổ cho quần sinh chứ tuyệt đối không có vấn đề gì có tính chất chính trị hay lật đổ chính quyền.
Xin hỏi ông một câu hỏi chót là đứng trước cao trào dân chủ Miến Điện do các vị tu sĩ Phật giáo lãnh đạo hiện nay một số người đã lên tiếng kêu gọi Phật giáo Việt Nam noi gương Phật giáo Miến Điện. Ông nghĩ gì về việc này, và ông trả lời như thế nào đối với lời kêu gọi đó?
Tôi hiểu cái sự kỳ vọng của đồng bào các giới khi chờ đợi nếu không muốn nói là yêu sách Phật giáo Việt Nam phải noi gương chư tăng ni Miến Điện. Đây là tấm lòng tin tưởng vào Phật giáo của đồng bào chúng ta trong và ngoài nước. Nhưng đồng thời, theo quan điểm của tôi thì nó cũng nói lên tính chất thụ động của con người đấu tranh. Bởi vì tôi nghĩ rằng vấn đề giải quyết nạn độc tài toàn trị tại Việt Nam để đất nước có thể phát triển và bắt kịp các con rồng châu Á là trách vụ của mọi thành phần dân tộc, của mọi tầng lớp nhân dân, mọi tôn giáo và mọi tổ chức chính trị chứ không riêng gì Phật giáo. Tôi cũng có ý nghĩ rằng chúng ta không thể khoán trắng cho Quang Trung, cho Lê Lợi, cho Trần Hưng Đạo trong cuộc đấu tranh ngày nay mà chúng ta phải là người Quang Trung, phải là người Lê Lợi, phải là Trần Hưng Đạo của thế kỷ 21.
Xin cám ơn ông Võ Văn Ái.