Trong khi cuộc đàn áp các cuộc biểu tình đòi dân chủ thu hút sự chú ý của thế giới trong mấy tuần vừa qua, thì chính phủ quân nhân Miến Điện tiếp tục cuộc chiến thường bị lãng quên chống lại các sắc tộc thiểu số trong nước. Một nhà truyền giáo làm việc với nhóm thiểu số người Karen cho biết quân đội Miến Điện đang sát hại và hãm hiếp dân làng và buộc họ phải bỏ nhà cửa chạy trốn.
Trong khi một số nhóm sắc tộc nổi dậy ở Miến Điện ký các thỏa thuận đình chiến với quân đội thì Đạo quân Giải phóng Dân tộc Karen vẫn tiếp tục cuộc nổi dậy có vũ trang đã bắt đầu từ 6 thập niên trước.
Ông Shane Abrahams là một nhà truyền giáo làm việc với người Karen tỵ nạn ở biên giới giữa Miến Điện và Thái Lan. Ông nói rằng cuộc tranh đấu của họ có rất ít cơ may thành công.
Ông Abrahams nói: “Có chưa đầy 4 ngàn binh sĩ Karen chống chọi với quân đội Miến Điện với số quân hiện nay là 500 ngàn...Tất cả lực lượng quân sự này cơ bản được sử dụng để chống lại các sắc tộc thiểu số.”
Phát biểu với các ký giả ở Hong Kong, ông Abrahams nói rằng chính khối dân chúng chịu nhiều đau khổ nhất trong cuộc đàn áp ở đông bộ Miến Điện, là nơi sinh sống của khối người thiểu số Karen.
Ông Abrahams nói: “Trong bang Karen quý vị nghe được những câu chuyện khủng khiếp về cách thức họ nhắm mục tiêu vào khối dân oở đó. Sách lược của họ là hãm hiếp, tống tiền, giết người, cưỡng bách dời cư và cưỡng bách lao động.”
Ông Abrahams cho biết nhiều người không còn chọn lựa nào khác là chạy trốn khỏi những khu vực do chính phủ kiểm soát và sống trong các lều trại nơi rừng rú – thiếu về sinh, nước sạch hay trường học cho trẻ em. Ông nói rằng có khoảng 1 triệu người bị thất tán ngay trong nước ở đông bộ Miến Điện. Những người Karen tỵ nạn khác thì sống trong các trại ở Thái Lan dọc theo biên giới giáp ranh Miến Điện.
Theo ông Abrahams, tuy các trại này tương đối an toàn, nhưng cơ hội tuyển dụng rất hạn chế và sự tẻ nhạt khiến một số người tỵ nạn đâm ra nghiện rượu và nhiều khi còn tự vẫn nữa.Ông Abrahams không chắc rằng liệu tình hình người Karen và các sắc dân thiểu số khác ở Miến Điện có cải thiện được không nếu chính phủ quân nhân sụp đổ.
Ông Abrahams nói: “Ngay lúc này thì thế giới đã thấy được một thí dụ điển hình về những gì sẽ xảy ra khi một chế độ độc tài sụp đổ qua đêm và có tình trạng căng thẳng sắc tộc trong nước – hãy nhìn những gì đang xảy ra ở Iraq. Đó chính cũng là điều dễ dàng xảy ra ở đây.”
Ông Abrahams nói thêm rằng tất cả các sắc dân thiểu số, kể cả người Karen, và một số chính trị gia đối lập đều trông đợi vào một tương lai là Miến Điện trở thành một quốc gia theo thể chế liên bang trong đó các sắc dân thiểu số có được một quê hương tự trị cho riêng mình.