Ðặc sứ LHQ hối thúc Miến Ðiện chấm dứt các vụ bắt bớ

  • Kate Woodsome

Đặc sứ hàng đầu của Liên Hiệp Quốc về vấn đề Miến Điện đang thúc giục chính quyền quân nhân của nước này chấm dứt việc bắt bớ các nhà hoạt động đòi dân chủ, và trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ vì lý do chính trị. Vị đặc sứ này của Liên Hiệp Quốc đang ở Thái lan bắt đầu chuyến công du trong khu vực để xây dựng sự ủng hộ cho việc hoà giải chính trị ở Miến Điện.

Hôm nay, Đặc sứ Liên Hiệp Quốc, ông Ibrahim Gambari nói với các phóng viên tại Bangkok rằng việc Miến Điện bắt bớ và đe dọa các nhà hoạt động đối lập mới đây là một sự kiện cực kỳ đáng lo ngại.Các tổ chức về nhân quyền cho hay chính quyền quân nhân Miến Điện đã bắt giữ ít nhất là 4 nhà hoạt động hàng đầu trong những ngày gần đây.

Trong số này có ông Htay Kywe, lãnh đạo của tổ chức Sinh viên Thế hệ 88, một tổ chức của những người bất đồng chính kiến cứng rắn nhất ở Miến Điện. Những người Miến Điện đang sống lưu vong nói rằng việc bắt giữ ông Kywe là một đòn nặng đánh vào phong trào đòi dân chủ. Một người phát ngôn cho Ủy ban toàn quốc của Liên minh Miến Điện, trụ sở đặt tại Thái Lan, ông Soe Aung nêu nhận định như sau:

“Việc bắt bớ các nhà lãnh đạo của phong trào dân chủ, sẽ khơi ra thêm sự sợ hãi trong các nhóm hoạt động, những người vẫn còn muốn tiến hành các hoạt động thách thức đối với tập đoàn quân nhân cầm quyền.”

Chính quyền Miến Điện đã bắt hàng ngàn tăng sĩ và các nhà hoạt động kể từ khi họ đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ của dân chúng hồi tháng trước.Hôm nay ông Gambari đã hội kiến với các giới chức hàng đầu của Thái Lan. Kế đó, ông sẽ lên đường đi Malaysia, Indonesia, Ấn Ðộ, Trung Quốc và Nhật Bản để vận động cả khu vực tiếp tay đối phó với chính quyền quân nhân.

Sau đó, ông dự định sẽ trở lại Miến Điện. Tiến sĩ Sean Turnell thuộc nhóm theo dõi về Kinh tế Miến Điện của Đại học Macquarie tại Australia tỏ ý nghi ngờ rằng ông Gambari sẽ không đạt được mấy thành quả tốt trong chuyến đi này.

Ông Turnell nói: “Tôi nghĩ rằng những nhân vật quan trọng chủ chốt của Liên Hiệp Quốc – người sẽ quyết định liệu Liên Hiệp Quốc có biện pháp mạnh mẽ nào hay không, rất quan tâm muốn đảm bảo rằng một biện pháp như thế sẽ không được thực hiện.”

Trung Quốc nhận nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên quý giá từ nước láng giềng Miến Điện, và đã dùng quyền phủ quyết tại Hội Đồng bảo An Liên Hiệp Quốc để ngăn chận những nỗ lực lên án các nhà lãnh đạo quân nhân Miến Điện.

Ông Turnell nói rằng kể cả nếu như ông Gambari không đạt được những kết quả cụ thể, thì chuyến công du của ông vẫn rất quan trọng bởi vì nó sẽ duy trì sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề Miến Điện.Liên Hiệp Quốc đã cử ông Gambari đến Miến Điện ngay sau khi xảy ra các vụ đàn áp biểu tình.

Ông Gambari đã hội kiến với Đại tướng Than Shwe và lãnh tụ đối lập đang bị giam giữ, bà Aung San Suu Kyi, để khuyến khích cho một cuộc đối thoại mới.