Trong vài ngày qua, một cuộc tranh luận đã dấy lên trong giới những người quan tâm tới công cuộc phát triển dân chủ thế giới về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các chế độ độc tài. Đây là cuộc tranh luận xoay quanh vụ đàn áp đẫm máu hồi gần đây ở Miến Điện. Nhiều người, trong đó có bà Aung San Suu Kyi --lãnh tụ phe dân chủ Miến Điện, cho rằng cộng đồng quốc tế cần có biện pháp cứng rắn để trừng trị tập đoàn tướng lãnh cầm quyền. Nhưng cũng có một số người khác cho rằng chế tài chẳng những không mang lại hiệu quả mà còn gây trở ngại cho tiến trình dân chủ hóa. Trong tiết mục Nhìn Về Á Châu tuần này, Duy Ái sẽ trình bày một số chi tiết về vụ tranh luận này và ý kiến của một số các nhà hoạt động cho dân chủ Việt Nam.
Hầu như tất cả những người còn chút lương tri trên thế giới đều cảm thấy phẫn nộ trước việc chính quyền quân nhân Miến Điện ra lệnh cho binh sĩ nổ súng để sát hại tăng ni và dân chúng hồi hạ tuần tháng 9 vừa qua. Nhiều người đã lên tiếng đòi hỏi cộng đồng quốc tế áp dụng các biện pháp chế tài mạnh mẽ để trừng trị tập đoàn tướng lãnh Miến Điện và tiếp tục hỗ trợ cho phong trào dân chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.
Trong số những người ủng hộ việc áp dụng các biện pháp chế tài có ông Võ Văn Ái, Chủ Tịch Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam.
Ông Võ Văn Ái nói: "Trong quá trình đấu tranh cho dân chủ tại Á châu, và đặc biệt đối với những chế độ độc tài -quân phiệt hoặc toàn trị, chúng tôi thấy rằng biện pháp chế tài rất là quan trọng. Tôi lấy ví dụ ở Việt Nam. Ví dụ như Hoa Kỳ không rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách CPC -- là danh sách các quốc gia đàn áp tôn giáo cần đặc biệt quan tâm, thì tôi tin chắc rằng tình trạng tôn giáo ở Việt Nam sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều; đặc biệt là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sẽ được tự do sinh hoạt tôn giáo chứ không bị đàn áp như hiện nay. Tôi nghĩ rằng sự kiện bà Aung San Suu Kyi đã bị tù đày, đã bị quản chế 18 năm, và tình hình của nhân dân Miến Điện đau khổ đến nỗi 400 nghìn tăng ni đã phải lấy thái độ xuống đường để đòi hỏi cho tự do và dân chủ. Tôi thấy rằng các nước Âu Mỹ nếu không có áp lực trực tiếp và mạnh mẽ thì không bao giờ những chế độ độc tài có thể thay đổi. Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng biện pháp chế tài rất quan trọng để thay đổi tình trạng hiện nay của Miến Điện nói riêng và của tất cả các quốc gia khác đang nằm dưới chế độ độc tài toàn trị, như ở Trung Quốc, ở Việt Nam, ở Cuba, ở Bắc Hàn..."
Tuy nhiên, mới đây cũng có một số người nêu lên nghi vấn về tính hiệu quả của các biện pháp chế tài. Trong số những người này có một nhân sĩ Miến Điện được nhiều người kính nể là ông Thant Myint-U, cháu nội của cố Tổng thư ký Liên hiệp quốc U Thant. Ông cho rằng giả như cộng đồng quốc tế không áp dụng các biện pháp chế tài kinh tế thì giờ đây tình hình Miến Điện có phần chắc cũng khả quan như Việt Nam -- Miến Điện sẽ có liên hệ nhiều hơn với thế giới, có nhiều hoạt động kinh tế và xã hội, và chính quyền sẽ bị hạn chế nhiều hơn hoặc ngần ngại hơn đối với việc sử dụng vũ lực hoặc tiến hành những hành vi đàn áp. Một nhà tranh đấu cho dân chủ Việt Nam ở Hà nội -- Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cũng có một chủ trương tương tự. Ông nói:
"Tôi không đồng ý với biện pháp dùng cấm vận để bóp nghẹt đời sống của nhân dân. Nếu dùng biện pháp ấy có nghĩa là người ta muốn đất nước suy sụp, đời sống khổ sở mà nhân dân vùng lên. Nhưng kinh nghiệm thực tế cho thấy nó không xảy ra được. Vì đối với những chế độ độc tài toàn trị như kiểu Cuba, Trung Quốc, Việt Nam hay Miến Điện thì họ vừa nắm quân đội vừa công an trị như vậy, cho nên nhân dân có vùng lên mạnh mẽ như vừa rồi hoặc như năm 1988 -- ý chí của nhân dân Miến Điện rất đáng ngợi ca và tinh thần dũng cảm của họ rất đáng để làm gương sáng cho tất cả những dân tộc còn nằm dưới sự áp bức của chế độ Cộng Sản hoặc những chế độ độc tài toàn trị trên thế giới; nhưng dù sao những cuộc vùng dậy như vậy trong những năm vừa qua đều bị dìm trong bể máu, kể từ Thiên An Môn cho đến năm 1988 ở Miến Điện và gần đây ở Miến Điện."
Khi được hỏi là cộng đồng quốc tế cần phải làm gì để ứng phó với tình hình hiện nay ở Miến Điện, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cho rằng "diễn tiến hòa bình" là sách lược thích hợp cho cả Việt Nam lẫn Miến Điện. Ông nói tiếp như sau:
"Hãy lấy kinh nghiệm như ở Việt Nam. Nhờ không có cấm vận, nhờ có giao thương kinh tế với thế giới tiên tiến và với Mỹ, nhờ vào WTO mà bây giờ tinh thần dân chủ không còn chỉ còn quanh quẩn trong số những người thường được gọi là phong trào dân chủ mà nó đã thấm vào lòng toàn thể nhân dân. Và điều quan trọng nữa là thấm vào ngay trong đầu não Bộ Chính trị làm cho họ tan rã -- không những họ chuyển hóa mà họ sẽ phân rã và chính họ phải đấu tranh với nhau. Nếu mà có hoạt động vũ trang để mà lật đổ chính quyền thì chính là họ làm chứ nông dân, công nhân không thể làm được."
Trong khi đó, một nhà hoạt động cho dân chủ Việt Nam đang sống lưu vong ở Mỹ, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt cho rằng việc áp dụng các biện pháp chế tài là cần thiết nhưng cần phải giữ được sự cân bằng. Ông giải thích như sau:
"Nói tổng quát thì tôi nghĩ rằng cần phải giữ được sự cân bằng. Tôi ủng hộ một đường lối cân bằng giữa áp lực lên chính quyền và hỗ trợ để dân chúng và xã hội phát triển. Giữ được sự cân bằng không phải là dễ nhưng nó sẽ ảnh hưởng tốt. Một mặt phải áp lực để chính quyền thay đổi hoặc là nới lỏng sự kiểm soát của họ. Mặt khác phải giúp đỡ để xã hội và dân chúng phát triển ngày càng mạnh lên và độc lập với chính quyền. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng trường hợp mỗi nước mỗi khác đồng thời mỗi nước ở mỗi thời điểm cũng khác nhau. Đối với Miến Điện thì vào năm 1990, áp lực mạnh mẽ theo nghĩa cấm vận hoặc không liên hệ tôi nghĩ là tốt và cần thiết vì lúc đó đảng chính trị của bà Aung San Suu Kyi đã thắng cử nhưng bị giới quân nhân không công nhận, cho nên cần phải có áp lực mạnh mẽ như vậy. Nhưng tình hình bây giờ sau vụ chính biến vừa rồi tôi nghĩ là cần có sự đối thoại. Do đó cần giúp đỡ để chính quyền đối thoại với phe đối lập."
Khi được hỏi về việc cộng đồng quốc tế có nên chế tài Việt Nam vào lúc này vì những hành vi đàn áp dân chủ hay không, giáo sư Đoàn Viết Hoạt cho biết ông ủng hộ các biện pháp chế tài trong Dự luật Nhân quyền Việt Nam được Hạ viện Mỹ thông qua hồi gần đây. Ông nói tiếp như sau:
"Sau khi Việt Nam đổi mới và mở cửa ra với thế giới, và áp dụng chính sách hội nhập với thế giới thì tôi thấy đó là chính xác. Nhưng tới bây giờ khi xã hội và dân chúng đã bắt đầu mạnh lên và có một sức mạnh độc lập với chính quyền rồi, và những lực lượng đối kháng đang ra đời và tiếng nói đối lập với chính quyền đang ra đời thì cần phải làm áp lực với chính quyền mạnh mẽ hơn nữa. Đối với Việt Nam tôi nghĩ rằng hiện nay chưa có sự cân bằng, tức là áp lực lên chính quyền vẫn còn quá yếu và sự giúp đỡ cho dân chúng mạnh lên chưa đủ mạnh. Tôi nghĩ rằng sự cân bằng đó sẽ đẩy tiến trình dân chủ hóa tiến về hướng mạnh, nhanh và hòa bình, ổn định."