Một nhà sư tham gia các cuộc biểu tình phản kháng ở Miến Điện hồi tháng 9 năm ngoái kêu gọi cộng đồng quốc tế ngưng hỗ trợ, công nhận và bán vũ khí cho chính phủ Miến Điện. Đại đức U Awbata đã đưa ra lời kêu gọi này tại một cuộc hội thảo quốc tế về vấn đề nhân quyền Miến Điện tổ chức ở thủ đô của Indonesia. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết dựa theo tường thuật do thông tín viên Nancy-Amelia Collins của đài VOA gởi về từ Jakarta.
Đại đức U Awbata đã từ Miến Điện trốn sang Thái Lan hồi tháng 11 sau khi phải trốn tránh trong gần hai tháng sau cuộc đàn áp của chính quyền quân nhân nhắm vào các nhà sư và dân chúng biểu tình đòi dân chủ.
Qua lời một thông dịch viên, Đại đức U Awbata nói rằng cộng đồng quốc tế không nên hỗ trợ cho chính quyền Miến Điện dưới bất kỳ hình thức nào và nên thực hiện biện pháp cấm vận vũ khí đối với tập đoàn quân nhân cầm quyền.
Ông Awbata nói: "Như quí vị đã thấy, các tướng lãnh đã dùng súng đạn để giết hại và đàn áp người dân của mình. Vì vậy, hôm nay tôi muốn kêu gọi cộng đồng quốc tế cộng tác với nhau để thúc giục các nước đang bán vũ khí cho Miến Điện hãy ngưng làm như vậy."
Các vị tu sĩ Phật giáo đã xuống đường hàng loạt ở Rangoon và nhiều thành phố khác hồi tháng 8 để phản đối việc chính phủ tăng giá xăng dầu. Sau đó không lâu, những cuộc cầu kinh trên đường phố của họ đã có sự tham gia của dân chúng và biến thành một phong trào đòi dân chủ rầm rộ nhất trong vòng gần 2 thập niên.
Đến đầu tháng 9, binh sĩ đã nổ súng vào đoàn người biểu tình, giết chết ít nhất 31 người. Hàng ngàn người khác đã bị bắt giam.
Đại đức U Awbata nói rằng ông không biết rõ bao nhiêu người thiệt mạng sau khi binh sĩ tấn công các nhà sư tại ngôi chùa Shwedagon nổi tiếng ở Rangoon, nhưng ông không bao giờ quên được những gì mà ông chứng kiến lúc đó.
Ông U Awbata nói: "Tôi không thể quên được. Tôi không thể xóa được cảnh tượng mà tôi nhìn thấy ở mạn đông chùa Shwedagon. Tại đó, có 3 nhà sư bị bắn và khi họ ngã xuống, các binh sĩ đã dùng giày đinh giẫm đạp lên đầu của các nhà sư bị thương và dùng gậy gộc để đánh đập họ."
Nhiều nước trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu, đã áp dụng các biện pháp chế tài nghiêm nhặt đối với Miến Điện. Nhiều đại diện tại hộïi nghị ở Jakarta muốn khối Asean thực hiện những hành động tương tự.
Bà Debbi Stohard là điều hợp viên của tổ chức nhân quyền Mạng lưới Asean Thay thế, có bản doanh ở Thái Lan. Bà nói rằng Asean nên xem xét tới việc chế tài Miến Điện thay vì theo đuổi chủ trương cố hữu là không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia hội viên.
Bà Stohard nói: "Chúng tôi muốn có một giải pháp hòa bình cho Miến Điện, bởi vì giải pháp hòa bình chẳng những có lợi cho người dân Miến Điện mà còn hữu ích cho người dân trên toàn vùng Đông Nam Á. Chúng ta cần có ý chí chính trị. Chúng ta cần Asean và Indonesia chứng tỏ là họ có ý chí chính trị. Và điều này có nghĩa là họ phải xem xét tới việc áp dụng các biện pháp chế tài."
Hôm nay, đặc sứ Liên hiệp quốc về vấn đề Miến Điện, ông Ibrahim Gambari đã đến Miến Điện để tìm cách thuyết phục chính quyền quân nhân thương thuyết với phe đối lập về vấn đề cải cách chính trị. Tháng trước, chính phủ Miến Điện loan báo kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới vào tháng 5 tới đây và bầu cử quốc hội vào năm 2010. Ông Gambari tuyên bố rằng các kế hoạch vừa kể là một dấu hiệu tích cực.