Các nhà tranh đấu dân chủ Miến Điện kêu gọi tẩy chay Olympic Bắc Kinh

Trong lúc chính phủ Trung Quốc ra sức chuẩn bị cho Olympics Bắc Kinh 2008, nhiều nhân vật và tổ chức tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền trên thế giới đã lên tiếng kêu gọi mọi người tẩy chay đại hội thể thao này. Có khá nhiều nguyên do được đưa ra - từ tình trạng nhân quyền tệ hại ở Trung Quốc cho tới các chính sách đối nội và đối ngoại của Bắc Kinh. Một số người ở Việt Nam cũng tham gia cuộc vận động tẩy chay này vì điều mà họ cho là hành vi xâm phạm của Trung Quốc đối với chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Và mới đây, các nhà tranh đấu cho dân chủ Miến Điện cũng kêu gọi tẩy chay Olympic Bắc Kinh vì sự hậu thuẫn của Trung Quốc đối với chính quyền quân nhân độc tài ở Nai Pyi Daw. Mời quí thính giả nghe Duy Ái trình bày thêm một số chi tiết về vấn đề này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.

Ngày 8 tháng 8 tới đây là ngày khai mạc Olympics Bắc Kinh -- một sự kiện trọng đại đối với 1 tỉ 400 triệu người ở Trung Quốc vì đây là dịp để họ chính thức phô trương với thế giới những thành quả ngoạn mục của 30 năm cải cách kinh tế. Nhưng có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là ngày 8 tháng 8 cũng chính là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa năm 1988 ở Miến Điện - khi tập đoàn quân nhân cầm quyền có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Trung Quốc ra lệnh cho binh sĩ nổ súng bắn vào những người biểu tình đòi dân chủ, giết chết khoảng 3,000 người.

Hôm thứ hai vừa qua, một tổ chức tranh đấu cho dân chủ Miến Điện, có tên là Sinh viên Thế hệ 88 (88 Generation Students), đã chính thức kêu gọi tẩy chay Olympics Bắc Kinh để phản đối điều mà họ cho là sự hỗ trợ của chính quyền Cộng Sản Trung Quốc đối với chế độ độc tài ở Miến Điện. Phát ngôn viên Tun Myint Aung của tổ chức này đã cho biết như sau trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA.

Ông Tun Ming Aung nói: "Chính phủ Trung Quốc đã và đang tiếp tục hỗ trợ và bảo vệ cho tập đoàn quân nhân Miến Điện. Trước đây, phong trào Sinh viên Thế hệ 88 chúng tôi đã gởi rất nhiều văn thư, yêu cầu chính phủ Trung Quốc ra sức giúp đỡ để giải quyết vụ khủng hoảng Miến Điện -- vì Bắc Kinh có ảnh hưởng rất lớn đối với chính quyền quân nhân Miến Điện. Tuy nhiên, họ không hề lý gì tới yêu cầu của chúng tôi. Vì vậy cho nên, ngày hôm nay nhân dân Miến Điện phải kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh để người dân Trung Quốc và mọi người trên thế giới biết tới ý nguyện của chúng tôi."

Một ngày sau khi phong trào Sinh viên Thế hệ 88 đưa ra lời kêu gọi vừa kể, một tổ chức của người Miến Điện lưu vong ở Mỹ - có tên là Chiến dịch Hoa Kỳ cho Miến Điện (US Campaign for Burma), cũng kêu gọi mọi người trên thế giới đừng xem các buổi lễ của Olympics Bắc Kinh trên truyền hình và đừng mua những món quà kỷ niệm của đại hội thể thao này. Người đứng đầu tổ chức này là ông Aung Din đã phát biểu như sau trong cuộc phỏng vấn dành cho ban Việt Ngữ đài VOA.

Ông Aung Din nói: "Chúng tôi không kêu gọi các chính phủ và vận động viên tẩy chay Olympics Bắc Kinh. Chúng tôi chỉ muốn kêu gọi mọi người trên thế giới đừng xem các buổi lễ Olympics trên truyền hình và đừng mua những món quà lưu niệm mà các công ty bảo trợ Olympics Bắc Kinh sản xuất tại Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi như vậy vì Trung Quốc là nước bạn hàng lớn nhất, nước cung cấp vũ khí nhiều nhất, và là nước bênh vực mạnh mẽ nhất cho tập đoàn quân nhân Miến Điện, một trong các chế độ độc tài tàn bạo nhất thế giới."

Khi được hỏi về lời kêu gọi của các tổ chức tranh đấu cho dân chủ Miến Điện, ông Ngô Bảo Đông, phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, đã phản bác điều mà ông gọi là những mưu toan nhằm chính trị hóa Olympics.

Ông Ngô nói: "Thế vận hội Bắc Kinh là một đại hội thể thao thế giới, không phải là một tổ chức để giải quyết các vấn đề quốc tế. Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng việc nối kết những vấn đề không liên quan vào Olympics không mang lại lợi ích nào cho việc giải quyết vấn đề."

Trong khi đó tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Lưu Kiến Siêu cũng nói rằng chính sách "láng giềng hữu nghị" của Trung Quốc đối với Miến Điện phục vụ cho lợi ích của nhân dân hai nước. Ông kêu gọi các tổ chức tranh đấu cho dân chủ Miến Điện có được điều mà ông gọi là 'nhận thức đúng đắn' về sự hữu ích của chính sách của Trung Quốc đối với tiến trình dân chủ hóa, hòa giải dân tộc và hòa bình của Miến Điện.

Khi được hỏi về tuyên bố vừa kể của người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Aung Din của Chiến dịch Hoa Kỳ cho Miến Điện đã trả lời như sau:

"Họ cung cấp hàng triệu đô la viện trợ cho tập đoàn quân nhân. Họ cũng cung ứng các loại vũ khí trị giá hàng tỉ đô la cho tập đoàn quân nhân. Nhờ vậy mà tập đoàn quân nhân có thể tăng cường sức mạnh và tiếp tục đàn áp dân chúng một cách thô bạo. Đúng vậy, chính sách của Trung Quốc đối với Miến Điện rất tốt đẹp, rất thân thiện; nhưng sự tốt đẹp, thân thiện này chỉ dành cho các tướng lãnh cầm quyền chứ không dành cho người dân Miến Điện chúng tôi."

Ông Aung Din cũng nói thêm rằng sự bênh vực của Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an - nơi mà họ có quyền phủ quyết, đã khiến cho những nỗ lực của Liên hiệp quốc nhằm thúc đẩy chính phủ Miến Điện tiến hành cải cách dân chủ gặp phải rất nhiều trở ngại.

Ngoài vấn đề Miến Điện, chính phủ Trung Quốc còn phải đương đầu với những cuộc vận động tẩy chay Olympics Bắc Kinh phát xuất từ những nhóm người khác nhau - trong đó có một số người Việt Nam phản đối điều mà họ cho là những hành vi xâm phạm chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, những tổ chức và các nhân vật tranh đấu cho nhân quyền quốc tế chống đối chính sách của Trung Quốc về vấn đề Darfur, những người Tây Tạng đả kích điều mà họ cho là chính sách tiêu diệt văn hóa cổ truyền của Tây Tạng, và những người Trung Quốc tranh đấu cho nhân quyền và quyền của người lao động trong nước.

Trong khi đó, Tổng thống Hoa Kỳ George W Bush cho biết ông sẽ đến Trung Quốc để xem các cuộc tranh tài thế vận. Trong cuộc họp báo hôm thứ năm vừa qua ở Washington, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố rằng ông sẽ tới Bắc Kinh xem Olympics vì đây là một sinh hoạt thể thao. Tuy nhiên, Tổng thống Bush cũng nói thêm rằng ông sẽ nhân dịp này để thảo luận với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc về nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề mà ông quan tâm sâu sắc như nhân quyền và tự do tôn giáo, cùng với các vấn đề liên quan tới Darfur và Miến Điện.