Đặc sứ Liên Hiệp Quốc đang đi thăm Miến Điện, ông Ibrahim Gambari, đã mở các cuộc hội đàm với lãnh tụ đối lập đang bị giam giữ, bà Aung San Suu Kyi – đây là lần hội kiến thứ nhì trong 3 ngày. Nhà ngoại giao của Liên Hiệp Quốc đang hối thúc chính quyền quân nhân Miến Điện để cho đảng của nhân vật tranh đấu cho dân chủ này được tham gia các cuộc bầu cử sắp tới. Nhưng cho đến giờ này, các giới chức ở Miến Điện đã từ chối lời kêu gọi. Từ văn phòng đài VOA ở Hong Kong, phái viên Naomi Martig ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Các giới chức Liên Hiệp Quốc cho hay khôi nguyên giải Nobel hòa bình đã gặp ông Ibrahim Gambari trong khoảng 45 phút tại một cơ sở của chính phủ ở Rangoon. Ông Gambari đến Miến Điện hôm thứ năm và được phép gặp bà Aung San Suu Kyi cùng các nhà lãnh đạo của Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của bà hôm thứ bảy. Ông Gambari đến Miến Điện thực hiện sứ mạng thuyết phục chính phủ quân nhân thương nghị với bà Aung San Suu Kyi và cho phép đảng của bà tham gia tiến trình chính trị trong nước.
Ông không đạt được mấy tiến bộ về vấn đề này. Các nhà lãnh đạo Miến Điện đã loan báo hồi đầu tháng trước rằng Miến Điện sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về một bản dự thảo hiến pháp vào tháng 5 và tổng tuyển cử vào năm 2010. Nhưng dự thảo hiến pháp này cấm bất cứ ai kết hôn với một người nước ngoài được phép ra tranh cử, và như thế là bà Aung San Suu Kyi không được ra tranh cử bởi vì bà kết hôn với một người Anh đã qua đời vì bệnh ung thư cách đây gần một thập niên. Các giới chức Miến Điện đã từ chối không tu chính điều khoản này.
Hôm thứ bảy, chính phủ Miến Điện cũng bác bỏ một đề nghị của Liên Hiệp Quốc cho phép các quan sát viên bầu cử độc lập tại cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp.
Ông Roshan Jason là giám đốc điều hành tiểu ban Liên quốc hội của ASEAN đặc trách về Miến Điện. Ông nói rằng việc Miến Điện từ chối không cứu xét bất cứ đề nghị nào của quốc tế về cải tổ chính trị không phải là chuyện đáng ngạc nhiên.
Ông Jason nói: “Sự kiện này sẽ khiến cho Liên Hiệp Quốc phải tiến hành các biện pháp gay gắt hơn đối với tập đoàn cầm quyền và nhận ra rằng thương lượng và đối thoại với họ dứt khoát không đem lại ảnh hưởng tích cực nào hoặc thúc đẩy được bước nào.”
Ông Jason nói đối thoại với Miến Điện là điều quan trọng. Nhưng ông cho rằng đã đến lúc các giới chức Liên Hiệp Quốc có chủ trương cứng rắn hơn.
Ông Jason nói: “Tỷ như có các nghị quyết và yêu cầu các nghị quyết với lời lẽ mạnh cho phép quyền được tham gia vào những việc như theo dõi bầu cử và tuân thủ việc để cho một đại diện thường trực của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon ở đó nhằm tiếp tục các cuộc thương nghị.”
Bà Aung San Suu Kyi đã bị giam giữ hơn 12 năm trong 18 năm vừa qua. Đảng của bà đã thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 1990 nhưng quân đội Miến Điện từ chối không thừa nhận kết quả bầu cử.
Kể từ lúc ông Gambari đến Miến Điện, ông đã gặp nhiều giới chức chính phủ, các nhà ngoại giao nước ngoài, và một đại diện địa phương của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế.
Đây là chuyến đi Miến Điện lần thứ ba của ông kể từ khi chính phủ đàn áp các cuộc biểu tình đòi dân chủ hồi tháng 9 năm ngoái, mà các giới chức Liên Hiệp Quốc nói là đã gây thiệt mạng cho hơn 30 người.