Các nhân vật tranh đấu người Tây Tạng họ sẽ tìm cách gây rối trong lễ rước đuốc Thế Vận ở Ấn Độ tuy các biện pháp an ninh đã được siết chặt và đoạn đường rước đuốc được thu ngắn. Từ New Dehli, thông tín viên Steve Herman của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Ngọn đuốc Thế Vận sẽ chỉ lưu lại Ấn Độ trong 20 giờ đồng hồ, nhưng công tác trù hoạch và an ninh được thực hiện không khác gì công tác chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của một vị nguyên thủ quốc gia.
Lý do là vì cả Bắc Kinh lẫn New Dehli đều lo ngại là những thành phần tranh đấu người Tây Tạng sẽ gây rối trong cuộc rước đuốc ở thủ đô Ấn Độ vào ngày 17 tháng này.
Để đối phó, Ấn Độ sẽ lập một hàng rào an ninh rất chặt chẽ xung quanh ngọn đuốc. Các cuộc thảo luận đã được thực hiện ngày hôm nay để duyệt lại tuyến đường rước đuốc. Báo chí Ấn Độ cho biết đoạn đường mà ngọn đuốc chạy qua sẽ được rút ngắn từ 9 kilo mét xuống còn 2 kilomét.
Ông Tenzin Norsang, Thư ký của Đại hội Thanh niên Tây Tạng ở Dharamsala cho đài VOA biết rằng các nhân vật tranh đấu sẽ tìm mọi cách để gây gián đoạn cho lễ rước đuốc, bất kể là các biện pháp an ninh được thực hiện chặt chẽ tới đâu và đoạn đường rước đuốc được rút ngắn như thế nào.
Ông Norsang nói: "Phản ứng của chúng tôi vẫn không có gì thay đổi. Chúng tôi không hề muốn cho ngọn đuốc được vào Ấn Độ. Là người Tây Tạng chúng tôi còn có một bổn phận khác nữa - đó là không để cho lễ rước đuốc ở Ấn Độ được thành công. Kế hoạch của chúng tôi không thay đổi. Không cần biết là chúng tôi có thành công hay không, nhưng chúng tôi đã có một kế hoạch và sẽ xúc tiến kế hoạch này."
Hiện có khoảng 100 người Tây Tạng tị nạn ở Ấn Độ.
Trung Quốc đã cảnh cáo rằng bất cứ sự gián đoạn nào trong lễ rước đuốc Thế vận Bắc Kinh 2008 ở Ấn Độ cũng sẽ gây phương hại cho các mối quan hệ giữa hai nước láng giềng.
Ngoại trưởng Ấn Độ Pranab Mukherjee đã yêu cầu Đức Đạt Lai Lạt Ma bảo đảm rằng những người ủng hộ ông ở Ấn Độ sẽ không làm bất cứ điều gì có thể gây thương tổn cho quan hệ Ấn-Trung.
Nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng đã sống lưu vong ở Dharamsala trong gần nửa thế kỷ qua và được nhiều người Ấn Độ xem là một vị khách được tôn kính. Tuy nhiên, thái độ thân thiện này đã sút giảm trong một số các giới chức ở New Dehli, vì ngày càng có nhiều những vụ biểu tình của người Tây Tạng ở Ấn Độ. Những vụ biểu tình này được tổ chức để hỗ trợ cho cuộc nổi dậy mới đây ở Tây Tạng.
Tháng trước, những người Tây Tạng biểu tình đã xông vào đại sứ quán Trung quốc ở New Dehli. Việc này đã khiến Trung Quốc chính thức bày tỏ bất bình với các nhà ngoại giao Ấn Độ.
Tuy Bắc Kinh và New Dehli vẫn có những mối tranh chấp dai dẳng về chính trị và lãnh thổ, nhưng mối liên hệ kinh tế giữa hai nước đang ngày càng chặt chẽ hơn, với kim ngạch mậu dịch song phương dự kiến lên tới mức 40 tỉ đô la trong năm nay.