Ðức Ðạt Lai Lạt Ma và Hội thảo 'Hạt Giống của Lòng Từ Bi'

Trong tuần qua, hai nhân vật tôn giáo nổi tiếng trên thế giới là Ðức Đạt Lai Lạt Ma và đức giáo hoàng Bênêdictô 16 đã đến thăm Hoa Kỳ. Cả hai vị đều mang theo những thông điệp về hòa bình và lòng từ bi để nhắn gửi đến nhân loại.

Đức Giáo Hoàng, đứng đầu giáo hội Thiên Chúa La Mã với trên một tỉ tín đồ, đã được Tổng thống và phu nhân Hoa Kỳ tiếp đón với tất cả những nghi lễ long trọng nhất. Đức Giáo Hoàng đã chủ tọa một thánh lễ ngoài trời ở thủ đô và sau đó là một thánh lễ khác nữa cũng rất đông tín đồ tham dự tại New York. Trong khi đó thì đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng, đã đến bang Washington ở miền tây bắc Hoa Kỳ, tham dự một cuộc một cuộc hội thảo về lòng từ bi. Chuyến đi 5 ngày của đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ giới hạn ở địa phương, nhưng theo TTV Sara Lerner của đài VOA tường trình thì ban tổ chức cuộc hội thảo hy vọng hội nghị này sẽ có một ảnh hưởng cho toàn thế giới. Mời quí thính giả theo dõi Lá Thư Mỹ Quốc với các chi tiết sau đây do Lan Phương trình bày.

Chuyến viếng thăm của Ðức Đạt Lai Lạt Ma thật ngoạn mục, sống động. Cùng với những bài giảng mà lãnh tụ tinh thần của nhân dân Tây Tạng nói trước cử tọa, cuộc hội thảo còn bao gồm những buổi thảo luận từng nhóm về lòng từ bi,với đề tài từ khoa học về đức từ bi cho đến việc làm sao để nuôi dạy con trẻ thành những người đầy lòng trắc ẩn. Cái ý tưởng căn đễ của cuộc hội thảo này là gây sự chú ý của thế giới đến tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng tâm tốt lành và lòng từ bi.

Ngoài nội dung chính của cuộc hội thảo là lòng từ bi, lại có hàng loạt những màn trình diễn văn nghệ với chủ đề hòa bình. Một ngàn thành viên của cộng đồng quốc tế gồm nhiều sắc dân ở bang Washington đã tham dự cuộc diễn hành trình bày những nét văn hóa đặc thù, các ban nhạc rock tham gia các buổi hòa nhạc và một ban đồng ca với cả ngàn trẻ em trình bày những bài hát ca ngợi hòa bình và niềm an lạc.

Người đứng ra dàn xếp cuộc hội thảo mang tên 'Hạt Giống của Lòng Từ Bi' là ông Dan Kranzler, chủ tịch Hội Từ Thiện Kirling. Đoàn thể này hỗ trợ cho những dự án chú trọng đến sự dạy dỗ, học tập cho con người ngay từ thời thơ ấu để đưa đến những thay đổi xã hội. Ý tưởng tổ chức cuộc hội thảo này đã đến với ông Kranzler 3 năm trước khi ông được nghe đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện trước một đám đông gồm 10,000 cử tọa tại bang Idaho và nghe ngài giảng giải về đề tài lòng từ bi bắt đầu với từng người một.

Khi cuộc hội thảo khởi sự, ông Kranzler giải thíchh điều mà ông muốn hoàn tất. Ông nói:

"Trong 5 ngày hội thảo, chúng tôi nói về những gì mà mọi người có thể làm trong cương vị từng cá nhân như các thày cô giáo, như những người bảo mẫu chăm sóc trẻ, để nối kết cái tâm tốt lành với trí tuệ của chúng ta hầu nhận thức được rằng khi chúng ta cho đi cái tâm tốt lành và sử dụng trí huệ, kiến thức mà ta có thì ta có thể tạo được một thay đổi mạnh mẽ và lâu bền trong xã hội chúng ta."

Trong ngày thứ nhì, Ðức Đạt Lai Lạt Ma đã nói chuyện trước một cử tọa hơn 50,000 người. Ngài bắt đầu bằng những lời lẽ vô cùng khiêm cung.

Ðức Đạt Lai Lạt Ma nói: "Nếu như có ai đó tin, hay cho rằng Đạt Lai Lạt Ma có một số những quyền năng về phép lạ thì điều đó hoàn toàn vô nghĩa lý. Bần đạo chỉ là một con người mà thôi."

Lên tiếng trước số cử tọa đông đảo kéo đến vận động trường Seahawk, Ngài nói rằng chỉ có một con đường duy nhất đối phó với những khó khăn và đối mặt với kẻ thù là đối thoại hòa nhã.

Ðức Đạt Lai Lạt Ma nói: "Thế kỷ thứ 20 dường như đã trở thành một thế kỷ của máu đổ thịt rơi. Mặc dù là thế kỷ 21 cũng đã không bắt đầu với những điều vui vẻ gì cho mấy, chúng ta vẫn còn một phần lớn những năm của thế kỷ này trước mặt. Vì thế điều có lợi cho chúng ta là chúng ta hãy biến thế kỷ này thành thế kỷ của đối thoại."

Và Ngài giải thích bất bạo động thực sự có nghĩa như thế nào: "Bất bạo động là đối phó với tình huống khó khăn bằng ý chí, quyết tâm, biết nhìn xa trông rộng, tìm cách giải quyết khó khăn đó với sự cân nhắc kỹ lưỡng, tránh sử dụng vũ lực."

Cuối cùng, Ngài kêu gọi mọi quốc gia hãy từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Trước đó đức Đạt Lai Lạt Ma có nói rằng ngài sẽ tránh không đề cập đến chính trị tại cuộc hội thảo này, nhưng chính trị vẫn cứ len lỏi vào. Những người Trung Quốc biểu tình đã lên tiếng phản đối suốt hội nghị, giơ cao những tấm bảng in hàng chữ 'Hãy ngưng những cuộc biểu tình giả trá của Tây Tạng'. và 'hãy ngưng chính trị hóa Olympic'. Và vào chủ nhật đức Đạt Lai Lạt Ma tránh không dự những buổi nói chuyện đã được sắp đặt, đề cập đến tình hình chính trị tại Tây Tạng và Trung Quốc.

Ngài nói rằng Tây Tạng không nên lùi bước thêm nữa trước Trung Quốc, và Ngài luôn luôn nhấn mạnh rằng những phản kháng của người dân Tây Tạng lúc nào cũng phải là bất bạo động. Nhưng ở bên ngoài khách sạn tại trung tâm thành phố Seattle nơi đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện trước các ký giả, anh Wenzhao Tan nói rằng thuyết giảng về bất bạo động không thôi chưa đủ. Anh nói người dân Tây Tạng đang có những hành vi bạo động và anh đưa ra một câu hỏi chính đáng nếu đức Đạt Lai Lạt Ma có ảnh hưởng mạnh đến thế thì tại sao ngài lại không thể ngăn chặn những người Tây Tạng bạo động?

Anh Tan nói: "Ông ta phải dùng ảnh hưởng để ngăn chặn chuyện này chứ? Tôi nghĩ ông ta có quyền lực. Ông ta phải nói chuyện thêm với tín đồ của ông ta. Đây là câu hỏi chính đáng nếu Ðạt Lai Lạt Ma có ảnh hưởng mạnh đến thế thì tại sao ông ta không thể ngăn chặn người Tây Tạng biểu tình?"

Thế nhưng đại đa số những người đến dự cuộc hội thảo, như ông Andrew Parker, đều nghĩ đến thông diệp về lòng từ bi và hy vọng của đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông Parker và vợ cùng con gái nhỏ 2 tuổi của ông đã đến nghe đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết giảng.

Ông Parker nói: "Ngài nói điều đầu tiên tất cả chúng ta đều là con người trên trái đất trước khi chúng ta là người dân của một quốc gia nào đó hay của một tôn giáo nào đó., hay cư dân ở một thành phố nào đó. Điều trước tiên, tất cả chúng ta đều là những con người, và đây mới là điều căn đễ. Vì vậy đừng để những chuyện khác xen lấn vào cốt lõi của vấn đề. Chúng ta phải có lòng từ bi."

Ban tổ chức của hội nghị 'Hạt Giống của Lòng Từ bi' hy vọng con số chừng 200,000 người tham dự cuộc hội thảo sẽ lãnh hội được thông điệp này rồi truyền bá cho gia đình, bạn bè của họ để lòng từ bi có thể lan tỏa đi khắp thế giới.