Bắc Triều Tiên đã thực hiện một bước tiến quan trọng trong các cuộc
thương nghị đa quốc nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân của họ. Bình Nhưỡng đã
đệ trình một bản kê khai các chương trình và chất liệu hạt nhân cho
Trung Quốc, nước chủ trì các cuộc đàm phán. Từ Hán Thành, phái viên
Kurt Achin của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.
Ngoại trưởng Nam
Triều Tiên Yu Myung-hwan xác nhận rằng bản kê khai được chờ đợi lâu nay
hiện đang ở trong tay Trung Quốc. Ông Yu nói rằng Bắc Triều Tiên đã đệ
trình bản kê khai cho Bắc Kinh và rằng Nam Triều Tiên hoan nghênh diễn
biến này.
Bản kê khai nằm trong khuôn khổ một tiến trình nhiều
giai đoạn nhằm trao đổi các quyền lợi về tài chính và ngoại giao với
các bước dần đà để Bắc Triều Tiên tiến tới việc giải giới hạt nhân. Bắc
Triều Tiên đã hứa đệ trình bản kê khai này trước cuối năm ngoái, nhưng
đã trì hoãn cả 6 tháng không chịu đưa ra bản kê khai vì một sự bất đồng
với Hoa Kỳ.
Thoạt đầu, Washington đòi bản kê khai phải giải
thích cho một chương trình bí mật về uranium mà Bắc Triều Tiên bị cáo
giác, nhưng không hề công khai thừa nhận, đồng thời giải thích vai trò
mà Bình Nhưỡng có thể đã đóng trong việc giúp Syri phát triển một cơ sở
hạt nhân.
Sau các cuộc họp cấp cao giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều
Tiên, Bình Nhưỡng dự kiến sẽ ‘thừa nhận những mối quan ngại của Hoa Kỳ’
về các đề mục này, nhưng sẽ không bao gồm chúng trong bản kê khai chính
thức.
Theo dự kiến, văn kiện sẽ kê khai các kho dự trữ chất
liệu hạt nhân của Bắc Triều Tiên cũng như các cơ sở sản xuất các chất
liệu đó. Bắc Triều Tiên thực sự có bao nhiêu vũ khí hạt nhân, và chúng
hiện đang ở đâu, là điều chắc sẽ được công bố sau nay, sau khi các cuộc
đàm phán đa quốc về vũ khí của miền Bắc được nhóm lại tại Bắc Kinh. Các
cuộc họp này dự trù sẽ tiếp tục lại trong vòng ít ngày hay ít tuần.
Trong
điểm thảo luận sẽ là cách nào tốt nhất để kiểm chứng nội dung bản kê
khai của Bắc Triều Tiên là xác thực. Các giới chức cấp cao của Hoa Kỳ đã
hứa sẽ bãi bỏ một số biện pháp chế tài đối với Bắc Triều Tiên như một
phần thưởng cho bản kê khai.
Các biện pháp này sẽ đặt Bình
Nhưỡng vào con đường hội đủ điều kiện hưởng các cơ hội mậu dịch và hỗ
trợ của quốc tế. Một chuyên gia phân tích làm việc tại Hán Thành cho Tổ
chức Khủng Hoảng Quốc tế, ông Daniel Pinkston, cho rằng các nhà thương
thuyết còn phải làm việc nhiều năm nữa. Nhưng theo ông, cho đến nay,
Hoa Kỳ đang được một ‘món hời.’
Ông Pinkston nói: “Các hành động
mà Hoa Kỳ đang thực hiện – bãi bỏ các biện pháp trừng phạt, gạt Bắc
Triều Tiên ra khỏi danh sách khủng bố của Bộ Ngoại giao – đây là những
hành động rất dễ đảo ngược...đúng, sẽ có viện trợ lương thực, sẽ có
viện trợ năng lượng, nhưng khi nhìn vào các lợi ích về an ninh thì
chẳng đáng gì.”
Tổng thống bảo thủ Nam Triều Tiên, ông Lee
Myung-bak đã đình hoãn viện trợ lương thực cho miền bắc nghèo khó cho
đến khi nào nước này đạt được tiến bộ về vấn đề hạt nhân. Bản kê khai
hôm nay có thể là một chỉ dấu cho chính phủ của ông Lee nối lại viện
trợ lương thực và các hình thức viện trợ khác rất cấp thiết cho Bắc
Triều Tiên.