Ngọn lửa trên tháp đuốc ở Sân vận động quốc gia Điểu Sào tắt đi hôm chủ nhật tuần trước kết thúc Thế vận hội lần thứ 29 và để các đoàn thể thao chia tay với Bắc Kinh. Thế nhưng từ thời điểm đó trở đi lại có nhiều vấn đề mới được đặt ra. Trong lúc Afghanistan xem chiếc huy chương đồng duy nhất mà họ giành được là một niềm vinh dự lớn của đất nước, thì Trung Quốc vẫn chưa hài lòng với vị trí đầu bảng huy chương vàng khi họ đang mong muốn nhắm đến huy chương của các bộ môn mà họ còn bị các nước khác bỏ xa.
Trung Quốc đã đạt được nguyện vọng trở thành cường quốc thể thao số một thế giới khi họ đứng đầu danh sách các nước đoạt huy chương vàng với 51 chiếc, hơn nước xếp thứ nhì là Mỹ đến 15 chiếc.
Tuy nhiên, nước chủ nhà Olympic Bắc Kinh 2008 không thực sự mãn nguyện khi những tấm huy chương mà họ giành được đa số là từ các môn thể thao mà họ vẫn có thế mạnh lâu nay như thể dục, nhảy cầu, và bóng bàn.
Trên cả hai sân điền kinh và bơi lội, Trung Quốc chỉ thu về được có một chiếc huy chương vàng mặc dù chính phủ nước này đã có nhiều chương trình bảo trợ và khuyến khích. Ông Lưu Bành, quan chức đứng đầu nghành thể thao Trung Quốc phát biểu sau khi Olympic kết thúc rằng 'vẫn còn một khoảng cách tương đối lớn giữa Trung Quốc và các cường quốc khác trong các môn thể thao được chú ý nhiều nhất như điền kinh, bơi lội và đua xe đạp, và trong các môn bóng được nhiều người ưa chuộng'.
Quan chức này nói tiếp rằng 'ngay khi chúng tôi bước xuống khỏi bục huy chương, thì mọi thứ bắt đầu trở về lại mức khởi điểm'. Phát biểu này cho thấy Trung Quốc có lẽ sẽ tiếp tục nỗ lực chinh phục các môn thể thao khác mà họ nhận biết là còn yếu. Với những cơ sở và hệ thống mà Bắc Kinh đã lập ra được để Trung Quốc đi đến thành công tại Olympic vừa qua, thì quyết tâm của họ tiến xa hơn nữa trên đấu trường thể thao thế giới là những điều có thể thấy được trong tương lai không xa.
Chiếc huy chương đồng duy nhất mà võ sĩ Taekwondo Rohullah Nikpai giành về được cho Afghanistan so ra quá khiêm tốn trên bảng tổng sắp huy chương Thế vận hội, thế nhưng đối với Afghanistan thì đây là niềm vinh dự Olympic đầu tiên mà đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh triền miên này có được. Mang chiếc huy chương đồng từ Bắc Kinh về nước hôm thứ năm vừa qua, Nikpai đã được chào đón như là một vị anh hùng của dân tộc.
Rohullah Nikpai cùng với ba đồng đội đã được nhiều quan chức thể thao cấp cao chào đón ngay khi họ đặt chân đến phi trường Kabul. Sau đó các 'anh hùng thể thao' được rước qua đường phố của thủ đô Kabul để đi đến dự nghi thức tiếp đón chính thức tại sân vận động của thành phố. Đám đông khoảng 4,000 người ở sân vận động đã hô to 'Nikpai, niềm vinh dự của quốc gia' khi võ sĩ 21 tuổi này tiến vào vận động trường trong trang phục Taekwondo, trên cổ đeo chiếc huy chương đồng Olympic cùng với những vòng hoa. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Tổng thống Mohammad Karim Khalili nói rằng 'Nikpai mang vinh dự về cho đất nước Afghanistan'.
Ông Khailili loan báo rằng chính phủ sẽ đài thọ 4 vận động viên này một chuyến hành hương về Mecca, tức là thánh địa mà mọi tín đồ Hồi giáo đều tâm nguyện là sẽ hành hương đến ít nhất là một lần trong đời.
Ủy ban Olympic Afghanistan thưởng Nikpai 10,000 đôla. Còn trước đó Tổng thống Hamid Karzai đã thưởng cho võ sĩ này một căn nhà. Ngoài ra Nikpai còn nhận được nhiều phần thưởng giá trị khác từ các doanh nghiệp.
Nhiều đài truyền hình đã trực tiếp truyền hình buổi lễ đón tiếp diễn ra tại sân vận động mà trước đây, từ năm 1996 đến năm 2001, chế độ Taliban đã dùng làm nơi hành quyết trước công chúng. Có nhiều trường hợp những người bị xem là vi phạm luật Hồi giáo bảo thủ đã bị mang ra xử tử bằng hính thức ném đá tại sân vận động này trong thời gian đó.
Một cuộc tiếp đón hoành tráng khác giành cho các 'anh hùng thể thao' diễn ra hôm thứ tư vừa qua tại một quốc gia Phi Châu đó là Kenya.
Phó Tổng thống Kalonzo Musyoka và Bộ trưởng Thể thao Helen Sambili đã đón chào các vận động viên của họ mang về 14 huy chương Olympic các loại: 5 vàng, 5 bạc và 4 đồng. Đây là thành tích cao nhất mà Kenya lập được tại một kỳ Olympic mùa hè. Thành tích này đưa Kenya lên hạng thứ 15 trên bảng tổng sắp của Thế vận hội và là hạng cao nhất của châu lục.
Ở kỳ thế vận này, Kenya đã để cho đối thủ Ethiopia qua mặt ở các cự ly dài, tuy nhiên họ vẫn giữa được những thành tích cao ở các cự ly trung bình, cụ thể là hai cự ly 800 mét của cả nam lẫn nữ, và cự ly 1,500 mét nữ.
Vinh dự lớn nhất mà Kenya giành được tại Olympic Bắc Kinh có lẽ là chiếc huy chương vàng marathon nam do Samuel Kamau Wansiru giành được. Chính thành tích này mà quốc ca của Kenya đã được cất lên ngay tại buổi lễ bế mạc Thế vận hội Bắc Kinh.
Tại lễ đón chào đoàn thể thao kỳ này, lần đầu tiên chính phủ Kenya thưởng cho các vận động viên bằng tiền mặt. Vận động viên huy chương vàng được thưởng 750,000 shilling, tương đương khoảng 11,000 đôla, huy chương bạc được 50,000 shilling.
Nhiều người hâm mộ thắc mắc liệu Michael Phelps có đặt ra mục tiêu nào mới để họ được tiếp tục hồi hộp theo dõi siêu sao bơi lội người Mỹ này sau Olympic Bắc Kinh 2008 hay không. Mới đây tờ báo thể thao Gazzetta dello Sport của Ý đã tìm được câu trả lời là Phelps có thể sẽ 'thách đấu' với Alain Bernard của Pháp ở nội dung 100 mét tự do tại Giải vô địch Thế giới vào năm tới.
Trong 8 chiếc huy chương vàng mà Michael Phelps giành được tại Olympic Bắc Kinh không có huy chương 100 mét tự do.
Trong khi đó Alain Bernard đã lập ra kỷ lục thế giới cho nội dung này tại một đợt thi bán kết ở Bắc Kinh vừa rồi. Ngay vòng bán kết kế tiếp, Sullivan của Úc đã đánh đổ kỷ lục của Bernard, tuy nhiên Bernard lại về nhất trong vòng chung kết để đoạt chiếc huy chương vàng Olympic 100 mét tự do.
Phelps nói rằng Bernard có lẽ là đối thủ kế tiếp của anh. Thành tích cao nhất của Michael Phelps ở nội dung 100 mét tự do kém thành tích của Bernard 1% của một giây. Phelps nói rằng đây có thể là một cuộc tranh tài gây cấn tại Giải vô địch thế giới sẽ diễn ra ở Rome vào năm tới.
Còn hiện nay, Phelps cho biết anh và huấn luyện viên Bob Bowman cần một thời gian nghỉ ngơi khá dài.