Một em bé thứ ba đã chết ở Trung Quốc vì sữa bị ô nhiễm và còn hơn 6,000 em khác bị ốm. Vụ tai tiếng này đã buộc phải tiến hành việc trên toàn quốc các sản phẩm sữa của các hãng sản xuất sữa lớn nhất Trung Quốc, kể cả một số được xuất khẩu ra 5 nước khác. Từ Bắc Kinh, thông tín viên đài VOA Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây.
Hôm nay, Bộ trưởng Y tế Trung Quốc, ông Trần Trúc cho biết hiện có 6,244 ca trẻ em bị đau ốm, và trong số đó có 3 em đã chết vì uống sữa bột bị ô nhiễm.
Phát biểu tại một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc, ông nói rằng con số này có thể còn tăng lên vào lúc có thêm các bậc cha mẹ đưa con đến bệnh viện.
Ông Trần nói rằng hiện có 1,327 bệnh nhi ở bệnh viện. Ông cho biết 158 em đang bị suy thận trầm trọng. Vụ tai tiếng về sữa bột bị ô nhiễm đã bùng ra sau khi nhiều em nhỏ phải nhập viện vì bị sạn thận. Tất cả các em này đều được cho uống sữa bột.
Hãng sản xuất sữa bột lớn nhất của Trung Quốc là Sanlu đã bị phát hiện dùng sữa pha với chất melamine, một hóa chất công nghiệp có thể làm cho thực phẩm có vẻ mang hàm lượng protein cao hơn.
Các giới chức Trung Quốc nói rằng một cuộc điều tra 109 nhà sản xuất sữa bột đã phát hiện là 20 phần trăm các nhà sản xuất này đã thêm chất melamine vào sản phẩm của họ, kể cả hãng sản xuất sữa lớn nhất của Trung Quốc là Mông Ngưu.
Ông Lý Trường Giang là người đúng đầu cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm của Trung Quốc.
Ông Lý cho biết kể từ hôm nay, họ sẽ đặt 1,400 toán thanh tra với gần 5,000 người tại tất cả các cơ sở kinh doanh và sản xuất sữa. Ông nói các toán này sẽ thực hiện những cuộc kiểm tra tại chỗ và tiến hành việc thanh sát gắt gao và hữu hiệu.
Ông Lý cho biết cơ quan của ông đã ra lệnh thu hồi tất cả các sản phẩm khả nghi, kể cả các sản phẩm của hai công ty xuất khẩu qua Bangladesh, Yemen, Miến Điện, Gabon và Burundi.
Công ty sữa Fonterra của New Zealand là sở hữu chủ một phần của công ty Sanlu và cho biết đã nêu ra những quan ngại về sữa bị ô nhiễm từ mấy tuần trước, nhưng Sanlu đã có phản ứng chậm chạp.
Thủ tướng New Zealand nói rằng chính phủ Trung Quốc chỉ bắt đầu tiến hành cuộc điều tra sau khi bà nêu ra vấn đề qua các kênh chính thức.Giám đốc Sanlu và 4 viên chức địa phương ở Hà Bắc, là nơi Sanlu đặt trụ sở, đã bị bãi chức vì vụ tai tiếng này.
Các giới chức Trung Quốc đã cam kết sẽ điều tra tất cả các sản phẩm sữa trong nước và cho biết họ có thể bắt đầu các cuộc kiểm tra xét nghiệm thường xuyên lần đầu tiên về các phụ gia bất hợp pháp như melamine.
Đây không phải là lần đầu tiên sữa bột đã gây thiệt mạng cho các trẻ sơ sinh ở Trung Quốc. Năm 2004, đã có ít nhất 12 em bé chết vì uống sữa bột giả.