Vụ tai tiếng sữa độc ở Trung Quốc đã trở nên nghiêm trọng hơn với việc nhà chức trách loan báo rằng sữa tươi cũng bị nhiễm độc chứ không phải chỉ có sữa bột mà thôi. Các giới chức Hoa Kỳ và Châu Âu phụ trách vấn đề an toàn của các sản phẩm tiêu thụ đang viếng thăm Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm về vấn đề này giữa lúc giới hữu trách Trung Quốc tiếp tục ra lệnh thu hồi sản phẩm. Từ Bắc kinh, thông tín viên Daniel Schearf của đài VOA có bài tường thuật sau đây.
Tổng cục Kiểm soát Chất lượng Trung Quốc xác nhận rằng hóa chất melamine độc hại được tìm thấy trong 10% các mẫu thử nghiệm của những loại sữa thể lỏng của ba công ty sữa lớn nhất nước.
Trước đó, chất melamine, loại hóa chất công nghiệp dùng trong các sản phẩm plastic, chỉ được phát hiện trong sữa bột sau khi hàng ngàn em bé mắc bệnh sạn thận.
Tầm mức của vụ bê bối này đang gia tăng trong lúc các giới chức Hoa Kỳ và Châu Âu đến thăm Trung Quốc ngày hôm nay để thảo luận về vấn đề an toàn sản phẩm.
Ông Robert Madelin là Tổng Giám đốc Cơ quan y tế và bảo vệ người tiêu thụ của Ủy hội Châu Âu. Ông cho biết các phái đoàn Mỹ và Châu Âu muốn Trung Quốc giải thích cặn kẽ về vụ tai tiếng này.
Ông Madelin nói: "Vấn đề giữa các chính phủ, giữa các cơ quan quản lý là chúng tôi cần phải thành thật cởi mở với nhau ngay tức khắc. Những người tham gia hoạt động kinh tế cũng có bổn phận phải thành thật cởi mở, và tôi trông đợi các cơ quan quản lý áp dụng những biện pháp để trừng phạt những hành vi trì hoãn trong phạm vi quản hạt của mình."
Giới hữu trách đã khám phá là có tới hai mươi hai công ty sữa ở Trung Quốc bán ra những sản phẩm có chứa melamine. Hóa chất này có hàm lượng nitrogen cao và những kẻ bất lương đã dùng để cho vào sữa pha nước để khiến cho sữa có vẻ như có nhiều protein.
Trong số 22 công ty vừa kể, có ít nhất 2 công ty đã xuất khẩu hàng hóa của họ sang các nước ở Châu Á và Phi Châu.
Cho tới giờ, chưa có sữa nhiễm độc được phát hiện bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, tại Hồng Kông, giới hữu trách đã phát hiện những sản phẩm chế từ sữa của công ty Y Lợi và đã ra lệnh thu hồi các sản phẩm này.
Bà Nancy Nord, quyền Chủ tịch Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu thụ của chính phủ Mỹ, hôm nay tuyên bố rằng vụ tai tiếng sữa độc làm nổi bật nhu cầu đối thoại về vấn đề an toàn sản phẩm.
Ông Nord nói: "Chúng tôi phải luôn luôn đề cao cảnh giác để ngăn không cho những sự việc như vậy xảy ra trong những khu vực khác. Đó chính là lý do tại sao chúng tôi bắt buộc phải tiến hành những cuộc thảo luận ở cấp cao, ở cấp chính sách, và ở cấp kỹ thuật. Chúng tôi cần phải bảo đảm là đường giây thông tin liên lạc được thông suốt để chúng tôi có thể ứng phó với những vấn đề này một cách thỏa đáng khi chúng xuất hiện."
Cho đến nay, có 4 em bé thiệt mạng và 6,000 em khác bị bệnh sau khi uống sữa pha từ sữa bột bị nhiễm độc. Chưa có người lớn nào ngã bệnh trong vụ bê bối mà chính phủ Trung Quốc gọi là 'sự cố trọng đại' này.
Ảnh hưởng kinh tế của vụ này hiện chưa được rõ, nhưng công nghiệp sữa của Trung Quốc dự kiến sẽ bị thiệt hại nặng.
Hãng cà phê Starbuck của Mỹ cho biết họ đã chỉ thị cho hơn 300 cửa tiệm của họ ở Trung Quốc ngưng dùng sữa của hãng Mãnh Ngưu.
Chính phủ ở Bắc kinh đã ra lệnh thu hồi các sản phẩm nhiễm độc và cam kết trừng trị những kẻ bất lương.
18 người đã bị bắt giam và vài viên giám đốc của các công ty sữa đã bị sa thải.