Các nhà đầu tư Trung Quốc đang lạc quan một cách thận trọng về sự tăng tưởng thị trường trong tương lai mặc dù giá chứng khoán sụt giảm và tài chính thế giới đang lâm vào tình trạng bất định. Tuy nhiên, các chuyên gia thị trường cho rằng các nền kinh tế Châu Á rất dễ bị ảnh hưởng của các vụ chấn động do sự lệ thuộc nhiều hơn vào hàng xuất khẩu. Từ Bắc Kinh, thông tín viên đài VOA Daniel Schearf ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Chứng khoán Trung Quốc sụt giá mạnh sau cuộc xáo động về ngân hàng đầu tư ở Hoa Kỳ trong tháng này, nhưng đã lên giá nhanh trở lại trong tuần này, và vào lúc kết thúc ngày giao dịch hôm nay đã đạt mức cao nhất trong 3 tuần.
Các chứng khoán tài chính dẫn đầu cuộc phục hồi, do sự khích lệ của các cải cách thị trường và một kế hoạch của các công ty quốc doanh mua một số cổ phần lại của các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư của Trung Quốc tỏ ý tin tưởng rằng thị trường sẽ tiếp tục phục hồi. Bà Trình Hải Hạ, 40 tuổi, mới tham gia công cuộc mua bán chứng khoán được một năm và đã thua lỗ 40% số tiền đầu tư hơn 2,000 đôla.
Bà Trình nói rằng bà bị thua lỗ một chút, nhưng hy vọng rằng nay mai, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng, vì thế cũng không sao. Nhưng không phải tất cả các nhà đầu tư đều đồng ý như thế.
Bà Mạnh Bách đã mua bán chứng khoán từ khoảng 8 năm nay và bỏ hơn 100,000 đôla ra đầu tư. Bà nói rằng thị trường chứng khoán của Trung Quốc chưa trưởng thành và vì thế không ổn định.
Bà Mạnh nói rằng bởi vì thị trường chưa phát triển mấy, nên trồi sụt bất thường. Trong khi một thị trường bình thường thì phải có lên có xuống, thì thị trường Trung Quốc chỉ có sụt mà thôi. Bà nói rằng đà này có thể đập chết nhà đầu tư.
Chỉ số chứng khoán Thượng hải, một chỉ số thị trường chính, đã sụt gần 2/3 so với mức cao nhất vào tháng 10 năm ngoái. Các thị trường khác ở Châu Á phần lớn sụt giá đôi chút hôm nay vì những lo ngại về sự hữu hiệu của kế hoạch cứu nguy kinh tế 700 tỷ đôla của chính phủ Hoa Kỳ.
Ông Michael Pettis là giáo sư môn tài chính tại trường đại học Bắc Kinh. Ông nói rằng các nền kinh tế Châu Á lệ thuộc nhiều vào sự tiêu thụ của Hoa Kỳ hơn so với các nơi khác trên thế giới.
Ông Pettis nói: “Một phần quan trọng trong sự tăng trưởng ở Châu Á là nhờ vào mậu dịch quốc tế, đặc biệt với khuynh hướng xuất khẩu rất mạnh. Vì thế, trong khi mức thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ đã tăng so với tổng sản phẩm quốc dân trong 10 năm qua, điều đó có nghĩa là phần còn lại của thế giới trở nên phụ thuộc nhiều hơn, chứ không phải ít hơn, vào sự tăng trưởng của Hoa Kỳ.
Theo ông Pettis thì cuộc khủng hoảng tài chính có thể gây phương hại nhiều hơn cho các nền kinh tế Châu Á nếu như mức tiêu thụ của Hoa Kỳ sụt giảm mạnh.