Phản ứng của Việt Nam về vụ sữa Trung Quốc

Từ khi phát khởi hồi tuần trước, sự đe dọa của sữa và phó sản sữa chứa chất Melamine từ Trung quốc sang đã khiến chính phủ và nguời tiêu thụ Việt Nam hết sức lo lắng. Hôm nay, Bộ Y tế từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh để trực tiếp làm việc cùng các cơ quan chức năng về việc phối hợp đối phó. Phóng viên Lê Dân tìm hiểu thêm sự việc này và trao đổi như sau.

VOA: Trong tình hình này thì nguời tiêu dùng có phản ứng ra sao, đặc biệt là những phụ nữ cần nuôi con nhỏ bú sữa bình?

Dân: Sáng nay, sau khi các số báo mới trong ngày vừa phát hành và hầu nhu tờ nào cũng có những bài đặc biệt về nạn sữa "bẩn" của Trung Quốc, thì giới tiêu thụ, nhất là những phụ nữ cần nuôi con bằng sữa bình, hết sức cảnh giác. Một phụ nữ trẻ đang ngần ngừ đứng chọn mặt hàng sữa tại mặt tiền chợ Đa Kao, cho biết rằng "sau khi đọc báo thấy sữa Trung quốc có nhiễm độc nên ai cũng sợ, không dám mua sữa Trung quốc nữa. Truớc khi mua thì phải hỏi cho kỹ rồi mới dám mua".

VOA: Như anh vừa nói thì chính quyền đã nhanh chóng và triệt để truy tìm luợng sữa nhập từ Trung quốc về để kiểm nghiệm tìm chất Melanine, vậy đã có kết quả cụ thể nào hay chưa?

Dân: Hôm qua, 25 tháng Chín, chánh thanh tra bộ Y tế Việt Nam, ông Trần Quang Trung, nói với báo chí rằng năm mẫu sữa nguyên chất, sữa hương dâu, hiệu Yili, do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tự lấy mẫu kiểm nghiệm, đều thấy là hàm luợng Melamine rất cao, cao hơn nhiều so với mẫu do nhà nhập khẩu đem kiểm nghiệm.

Truớc đó, hôm thứ Ba, ông chánh thanh tra bộ Y tế đã cùng công an Hà Nội đến kiểm tra hai công ty nhập khẩu đầu mối là công ty Hoàng Lâm và công ty HanoiMilk. Công ty Hoàng Lâm trong năm 2007 nhập 42 tấn sữa bột nguyên kem và đã phân phối hết cho các công ty Anco và HanoiMilk cùng các làng nghề làm bánh kẹo.

Còn công ty HanoiMilk thì chỉ trong hai tháng đầu năm nay đã nhập của Trung Quốc 375 tấn sữa bột nguyên kem và cũng đã phân phối khắp nơi để làm bánh kẹo.

Báo Tuổi Trẻ hôm nay cho biết rằng ông Trần Đăng Tuấn, Tổng giám đốc HanoiMilk nói rằng giá sữa Trung quốc rất rẻ, lô sữa công ty ông nhập về có giá chỉ 2.800 đô la một tấn, trong khi cùng thời điểm và cùng loại, giá của New Zealand và Australia phải là 4.800 đô la một tấn.

VOA: Nếu tin tức đúng, thì lượng sữa nhiễm Melamine của Trung quốc đã xâm nhập hầu hết các mặt hàng bánh kẹo trong nuớc rồi. Vậy còn các loại bánh kẹo cao cấp, mang nhãn nuớc ngoài thì sao ?

Dân: Ngành Quản lý Thị trường ở Sài Gòn cho hay là có rất nhiều mặt hàng sữa có nhãn là do nuớc ngoài sản xuất, nhung kiểm tra chứng từ thì nguyên liệu chỉ toàn là của Trung quốc. Điển hình như tại công ty chế biến Phạm Nguyên, sữa bột hiệu Full Cream Milk Powder do công ty Murray Gold Blussia của Úc sản xuất, nhưng công ty Phạm Nguyên chỉ có nhập nguyên liệu Trung quốc mà thôi.

Dây chuyền siêu thị Big C ở phía Nam loan báo đã tạm ngưng bán 3 loại kẹo Chocolate thương hiệu ngoại là "M&M", "Snickers" và "Dove" do nghi ngờ nguyên liệu xuất xứ từ Trung Quốc. Quyết định tiên phong của Big C cũng khiến hàng loạt siêu thị nhỏ hơn cũng đưa ra biện pháp tương tự.

Điều đáng quan tâm là đối với nhiều người dân, họ chỉ lo lắng về "sữa", tức chỉ có sữa và các phó sản sữa, mới có nhiễm Melanine. Nhung thực tế thì có rất nhiều loại bánh kẹo khác cũng có sử dụng nguyên liệu sữa trong khâu chế biến.

Như chúng ta đa biết, chất Melanine đã bị cấm dùng trong thực phẩm do có thể gây một số chứng bệnh, mới nhất là bị xem đã gây sạn thận cho nguời sử dụng, đặc biệt là trẻ em và nguời cao tuổi.

Lê Dân tuờng trình từ Việt Nam.