Các nhà lãnh đạo Pháp Đức Anh và Italia đã mở một cuộc họp tại thủ đô Paris của Pháp hôm thứ bảy để tìm một giải pháp chung của châu Âu đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn cầu. Thông tín viên đài VOA Lisa Bryant có thêm chi tiết từ Paris như sau.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã yêu cầu mở cuộc họp này trong khi các định chế tài chính của châu Âu bắt đầu cảm thấy tác động của cuộc khủng hoảng tài chính lan từ Hoa Kỳ ra phần lớn các nước trên thế giới.
Cuộc họp nhằm mục tiêu chuẩn bị cho các nước thuộc Liên hiệp châu Âu là thành viên trong khối các quốc gia công nghiệp G-8, một cuộc họp quan trọng hơn bàn về cuộc khủng hoảng, mặc dù ngày giờ của cuộc họp như vậy chưa được ấn định.
Ông Philip Whyte, một nhà phân tích thuộc Trung tâm Cải cách châu Âu, hậu thuẫn ý kiến về việc các nhà lãnh đạo châu Âu cùng làm việc để tìm các giải pháp chung giải quyết tình trạng rối rắm hiện nay.
Ông Whyte nói rằng ý kiến về việc các quốc gia hàng đầu trong Liên hiệp châu Âu phối hợp làm việc chắc chắn là một ý kiến hay. Ông nói rằng trong tuần vừa qua có những sự kiện tích cực xảy ra, đó là các nước châu Âu đã chứng tỏ họ có thể hợp tác một cách năng nổ để cứu các ngân hàng có hoạt động ở nhiều nước.
Đó là trường hợp 3 nước Bỉ, Hà Lan và Luxembourg cứu nguy cho các ngân hàng Dexia và Fortis. Ông Whyte nói rằng các chuyên gia trước đó đã nghi ngờ về việc các nước châu Âu thực sự hợp tác như vậy. Mặt khác Ireland cũng đã đơn phương hành động hỗ trợ cho các ngân hàng của nước này trong tuần qua.
Hiện vẫn chưa biết được là cuộc họp thượng định hôm thứ bảy sẽ mang lại kết quả gì hay không.
Các nước bất đồng về một đề nghị của Hà Lan thành lập một ngân quĩ giải quyết khủng hoảng châu Âu nhằm cứu các ngân hàng đang gặp khó khăn, giải pháp này hơi giống giải pháp cứu nguy của Hoa Kỳ vừa được quốc hội thông qua.
Ông Thomas Klau, người đứng đầu văn phòng thuộc Ủy hội châu Âu đặc trách về quan hệ đối ngoại nghi ngờ về việc các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ ủng hộ kế hoạch đó.
Ông Klau nói “tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ đồng ý về đề nghị đó, vì như Đức chẳng hạn là một trong các nước chống đối rất mạnh đề nghị đó. Tuy nhiên tôi hy vọng sẽ có được những cam kết nhằm củng cố sự phối hợp hành động.
Một số người tin rằng châu Âu sẽ có thể khắc phục cơn giông tố tài chính hiệu quả hơn Hoa Kỳ, tuy nhiên nhiều người cho rằng hiện còn quá sớm để nhận định về việc này.