Hôm thứ tư 1/10 vừa qua, trong khi ăn mừng Quốc khánh lần thứ 59, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không quên tán tụng những thành quả đã đạt được trong 30 năm qua, sau khi từ bỏ nền kinh tế chỉ huy tập trung để theo đuổi các biện pháp cải cách kinh tế thị trường. Nhân dịp này, các học giả và các nhà phân tích chính trị Trung Quốc cũng khẳng định những tiến bộ của xã hội Trung Quốc từ ngày đổi mới. Tuy nhiên, nhiều người cũng tỏ ý thất vọng trước tiến độ chậm chạp, nếu không muốn nói là tụt hậu, của chương trình cải cách thể chế chính trị.
Trong bữa tiệc mới đây ở Bắc Kinh nhân ngày quốc khánh, mừng kỷ niệm năm thứ 59 ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tuyên bố rằng giới lãnh đạo Trung Nam Hải có quyết tâm xúc tiến công cuộc cải cách thể chế chính trị và những cải cách khác song song với việc mở cửa nhiều hơn nữa với thế giới bên ngoài.
Ông Ôn Gia Bảo nói thêm rằng đường lối cải cách khai phóng mà Đảng Cộng sản và chính phủ Trung Quốc theo đuổi trong gần 30 năm qua là con đường duy nhất để dân tộc Trung Hoa phục hưng.
Một nhà phân tích chính trị nổi tiếng ở Trung Quốc là giáo sư Trương Tổ Hoa của Đại học Bắc Kinh cũng khẳng định những tiến bộ mà nước ông đã đạt được từ ngày đổi mới. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA, ông Trương Tổ Hoa cho biết như sau.
Ông Trương nói: "Sau khi bị tiêu diệt hoàn toàn từ năm 1949, xã hội dân sự đã bắt đầu trưởng thành từng bước; và rồi cùng với toàn bộ quá trình cải cách và mở cửa với thế giới bên ngoài trong gần 30 năm qua, chúng ta có thể thấy được những cuộc vận động xã hội, kể cả cuộc vận động bảo vệ quyền lợi của dân chúng, đang dần dà phát triển. Nói một cách khác, ý thức của người dân về quyền lợi cùng với nhận thức đối với tự do dân chủ và những giá trị phổ quát giờ đây đã tăng cao - hơn hẳn bất kỳ thời đại nào trước đây ở Trung Quốc. Tôi cho rằng đây là tiến bộ lớn nhất của thời kỳ cải cách."
Trong khi đó, một nhà bình luận chính trị ở Hồng Kông, ông Lâm Hòa Lập, cho biết rằng: trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, giới lãnh đạo Trung Quốc đã chú trọng tới vấn đề cải cách chính trị song song với việc thực hiện những biện pháp cải cách kinh tế, nhưng việc cải cách thể chế chính trị đã bị khựng lại từ những năm cuối của thập niên 1980, sau cuộc biểu tình qui mô lớn của sinh viên ở Quảng trường Thiên an môn để đòi dân chủ.
Ông Lâm nói tiếp: "Có một sự hạn chế rất lớn đối với nhân quyền của người dân Trung Quốc, kể cả quyền tự do tụ họp để thờ phượng, tự do báo chí, và những quyền lợi xã hội, kinh tế và chính trị được Liên hiệp quốc công nhận. Nhân dịp quốc khánh năm nay, giời lãnh đạo Bắc Kinh nên quan tâm nhiều hơn tới đòi hỏi về nhân quyền của người dân, bao gồm quyền tự do tín ngưỡng, quyền bầu cử, quyền xuất bản và quyền hội họp. Những đòi hỏi này mỗi lúc một mạnh hơn và giới hữu trách Bắc Kinh cần phải nhanh chóng đáp ứng."
Giáo sư Trương Tổ Hoa ở Bắc Kinh tán đồng nhận xét vừa kể và nói thêm như sau: "Tiến độ của việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội diễn ra vô cùng chậm chạp. Kết cấu nông thôn-thành thị trên cơ bản vẫn không có gì thay đổi. Đến nay, số người ở nông thôn vẫn chiếm tới 65% dân số, nhưng họ không được thụ hưởng bất kỳ phúc lợi xã hội nào. Những khiếm khuyết về mặt pháp trị, cộng với sự lũng đoạn quyền lực của số người có quyền thế đã tạo ra bất công xã hội, tạo ra tình trạng phân hóa lưỡng cực; sự tham ô trong hệ thống tư pháp và sự can dự của chính trị trong công tác tư pháp đã khiến cho mâu thuẫn xã hội ngày càng trở nên kịch liệt và bén nhọn hơn. Trong những năm gần đây, những vụ rối loạn xã hội, những vụ bạo động xảy ra mỗi lúc một nhiều; và đây là vấn đề khiến cho mọi người phải lo ngại."
Trong khi đó, một cựu giáo sư của Đại học Sơn Đông, ông Tôn Văn Quảng đã đề cập tới vụ tai tiếng sữa độc bùng ra hồi đầu tháng 9 ở Trung Quốc và những nguồn tin nói rằng nhà cầm quyền Cộng Sản đang ra sức ngăn cản không cho giới luật sư bênh vực cho quyền lợi của các nạn nhân.
Ông Tôn Văn Quảng nhận xét về hiện tình chính trị của nước ông: "Báo chí không được tự do tường thuật. Luật sư không được quyền tiếp nhận ủy thác của thân chủ để tiến hành thủ tục kiện tụng. Tình hình này quả là lạc hậu rất nhiều so với những thời đại khác trong lịch sử Trung Quốc. Còn lạc hậu hơn thời kỳ đầu của chế độ Quốc dân đảng. Thậm chí còn lạc hậu hơn những năm cuối của triều đình Mãn Thanh."
Một vị giáo sư kinh tế của Đại học Bắc Kinh, ông Hạ Nghiệp Lương cho rằng những thành quả của sự nghiệp đổi mới ở Trung Quốc rất đáng ca ngợi. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng nhiều thách thức của Trung Quốc hiện nay - bao gồm vấn đề 'tam nông'; nông thôn, nông nghiệp và nông dân, chỉ có thể giải quyết thông qua việc thay đổi chế độ chính trị.
Giáo sư Hạ Nghiệp Lương cho biết: "Giờ đây chúng ta đã tiến tới một thời điểm mà chính quyền phải nói rõ với thế giới, nói rõ với toàn thể dân chúng, là rốt cuộc là họ muốn làm gì? Nếu vẫn muốn theo đuổi xã hội chủ nghĩa, muốn đi theo con đường cộng sản, thì chắc chắn sẽ gặp bế tắc. Kinh tế đã đạt tới mức này, đã sửa đổi tới mức này, thì dứt khoát là không thể bước lùi được nữa."