Giá chứng khoán trên các thị trường trên thế giới rớt mạnh trong ngày đầu tiên mở cửa giao dịch sau khi Hoa Kỳ thông qua kế hoạch 700 tỉ đôla cứu nguy tài chính. Thị trường châu Á dẫn đầu, và tiếp theo là thị trường châu Âu. Từ London Thông tín viên đài VOA Tom Rivers gửi về bài tường thuật sau đây.
Đồ biểu giao dịch của các thị trường tài chính châu Âu hôm thứ hai chỉ có một chiều, đó là chiều đi xuống.
Bất kể kế hoạch cứu nguy với chi phí khổng lồ đã được Hoa Kỳ thông qua, các bảng giá chứng khoán điện tử trên các thị trường Frankfurt, Paris, và London đều hiện lên một màu đỏ, có nghĩa là giá đang rớt.
Trong số các chứng khoán rớt giá mạnh nhất là chứng khoán của 2 ngân hàng Commerzbank của Đức và HBOS của Anh với tỉ lệ 10% trở lên. HBOS sẽ được định chế tài chánh của Anh là Lloyds mua lại trong thời gian ngắn sắp tới đây.
Tại Iceland, chứng khoán thuộc 6 công ty tài chính lớn nhất nước, trong đó có 3 ngân hàng lớn nhất, đã bị tạm ngưng giao dịch.
Nhiều người trong giới mua bán chứng khoán nói rằng tình trạng xuống dốc này phần lớn là vì kế hoạch cứu nguy của Hoa Kỳ cần phải có thời gian mới có hiệu quả và vì vậy không tác động lập tức đối với các thị trường tài chính.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến các thị trường tài chính châu Âu là vấn đề bảo đảm đối với tài khoản ký thác ngân hàng. Hồi cuối tuần vừa qua, tình trạng hoang mang đã diễn ra đối với tầm mức mà chính phủ Đức bảo đảm cho các tài khoản tiết kiệm cá nhân trong ngân hàng, và đã dẫn đến dao động trong các thị trường tài chính.
Ông Michael Taylor, một kinh tế gia kỳ cựu thuộc Viện Nghiên cứu Lombard Street Research ở London, nói rằng việc chính phủ Anh tăng số tiền tiết kiệm được chính phủ bảo đảm lên gần 100.000 đô la là một biện pháp đúng.
Ông Taylor nhận định: “Rõ ràng là đã có sẵn biện pháp bảo vệ tiền của khách hàng ký thác ở Anh ở một mức độ nào đó . Không phải biện pháp này được đưa ra do sự e ngại rồi đây sẽ có nhiều người chuyển tiền ký thác của mình sang Đức hay Hy Lạp, chỉ vì ở đó họ được sự bảo đảm ở cấp quốc gia, mà bởi vì lòng tin vào hệ thống ngân hàng tại Anh vẫn quá mong manh vào lúc này đến nỗi nếu các chính phủ không hành động gì thì chúng ta sẽ phải lo ngại là sẽ có hậu quả gì sẽ xảy đến.”
Trong khi tình trạng lo ngại đang lan ra trên khắp châu Âu, những người như ông Kenneth Clarke, đã từng đứng đầu Ngân Khố Anh nhận định rằng cuộc họp hồi cuối tuần qua giữa các nhà lãnh đạo 4 cường quốc kinh tế hàng đầu của châu Âu tại Paris, lẽ ra phải tiến xa hơn trong việc phát triển giải pháp đáp ứng có phối hợp đối với tình hình tài chính hiện nay. Mặc dù ông cho rằng kế hoạch của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cần được sửa đổi, theo ông đó là một kế hoạch đúng hướng.
Ông Clarke nói: “Ông ấy rất đúng khi đưa ra đề nghị là cần có hành động phối hợp quốc tế chẳng hạn như đối với vấn đề cho vay giữa các ngân hàng quốc tế với nhau. Và tất nhiên Anh và Đức từ chối, họ nói ‘không, không, chúng tôi phải lo toan công việc chính trị trong nước chúng tôi, cho các ngân hàng của chúng tôi, chúng tôi không muốn tham gia nỗ lực phối hợp của châu Âu.’ Thật đáng tiếc vì hiện giờ họ đang khá hốt hoảng, vì hôm nay là một trong những ngày thứ hai đầy hốt hoảng và người ta nhìn nhau tự hỏi rồi đây ai sẽ có hành động gì kế tiếp để cứu vãn tình thế.”
Với không khí thị trường tài chính đầy bất thường rất tiêu cực của hôm nay, ngày thứ hai này đang được gọi là Thứ hai đen, tuy nhiên các nhà buôn bán chứng khoán cảnh báo rằng, đây sẽ không phải là ngày Thứ hai đen cuối cùng.