Một giới chức cao cấp của quân đội Nam Triều Tiên cho biết ông tin là Bắc Triều Tiên đang tìm cách phát triển một đầu đạn hạt nhân có thể gắn trên phi đạn để bắn đi. Ông Kim Tae Yong, Tham mưu trưởng quân đội Nam Triều Tiên, đã cảnh báo như thế trong lúc mối căng thẳng gia tăng vì Bắc Triều Tiên khởi động lại chương trình vũ khí hạt nhân bất chấp một hiệp định đã đạt được trong cuộc đàm phán 6 bên. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết dựa theo tường thuật của thông tín viên đài VOA Leta Hong Fincher.
Tháng 6 vừa qua, Bắc Triều Tiên đã chứng tỏ quyết tâm ngưng chỉ các chương trình vũ khí hạt nhân bằng cách phá sập tháp làm nguội tại cơ sở hạt nhân Yongbyon.
Lúc đó, hành động của Bình Nhưỡng là một dấu hiệu rõ rệt cho thấy nhiều tiến bộ đã đạt được trong cuộc đàm phán 6 bên nhằm loại bỏ khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, trong vài tuần qua, những tiến bộ này chẳng những bị khựng lại mà còn bị đảo ngược.
Ông Ted Galen Carpenter, một chuyên gia an ninh của Viện Cato ở Washington giải thích như sau.
Ông Carpenter nói: "Cuộc đàm phán 6 bên với Bắc Triều Tiên lại có nguy cơ bị đổ vỡ. Chính phủ ở Bình Nhưỡng tức giận vì Hoa kỳ không loại tên Bắc Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố. Và để đáp lại, Bắc Triều Tiên đe dọa khởi động lại lò phản ứng hạt nhân ở Yongbyon để bắt đầu tinh luyện plutonium với mục đích dùng làm vật liệu để chế tạo vũ khí hạt nhân."
Trước đây trong năm nay, Bắc Triều Tiên đã nộp một bản khai báo về các hoạt động hạt nhân và lẽ ra đã phải xúc tiến công tác tháo dỡ lò phản ứng hạt nhân ở Yongbyon. Tuy nhiên, Washington cho biết họ không thể loại tên Bắc Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố cho tới khi nào có thể kiểm chứng tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân.
Bắc Triều Tiên đã phản ứng bằng cách trục xuất các thanh sát viên quốc tế ra khỏi cơ sở hạt nhân chính của họ. Họ cũng tuyên bố thực hiện lại việc tái chế biến nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng để làm vật liệu chế tạo vũ khí.
Một số các nhà quan sát cho rằng chính phủ của Tổng thống Bush phải chịu một phần trách nhiệm vì đã đưa ra những đòi hỏi cứng rắn về vấn đề kiểm chứng, vốn không nằm trong thỏa thuận sơ bộ với Bình Nhưỡng.
Ông Alan Romberg, một chuyên gia về vấn đề an ninh vùng Đông Á của Trung tâm Henry Stimson ở Washington, cho biết như sau.
Ông Romberg nói: "Đề nghị về kiểm chứng được đề xuất bởi những giới chức Hoa kỳ phụ trách vấn đề ngăn chận nạn khuyếch tán hạt nhân. Những người này đã đòi hỏi những chuyện mà rõ ràng là Bình Nhưỡng không thể chấp nhận. Những chuyện như các thanh sát viên có thể đi tới bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào để lấy mẫu hoặc để làm bất cứ chuyện gì mà họ muốn. Những ai đã từng giao tiếp với Bắc Triều Tiên đều biết rõ là đề nghị đó không phải là đề nghị có thể chấp nhận được."
Đặc sứ hạt nhân Hoa Kỳ Chritopher Hill, cho biết: lập trường của Washington về vấn đề kiểm chứng là một lập trường tiêu chuẩn từ trước tới nay. Ông nói thêm như sau trong một cuộc họp báo sau chuyến viếng thăm Bắc Triều Tiên hồi tuần trước.
Ông Hill nói: "Chúng tôi tới Bình Nhưỡng để xúc tiến những cuộc thảo luận có thực chất, và kết quả là chúng tôi đã có cuộc thảo luận kéo dài rất lâu và rất cặn kẽ về thủ tục kiểm chứng."
Một số các nhà quan sát tin rằng Bắc Triều Tiên đang tìm cách "câu giờ" với hy vọng là sẽ có thay đổi trong chủ trương của chính phủ mới ở Mỹ về cuộc đàm phán hạt nhân.
Ông Romberg của Trung tâm Henry Stimson nói rằng mưu toan của Bắc Triều Tiên sẽ thất bại.
Ông Romberg nói: "Nếu Bắc Triều Tiên nghĩ rằng chính phủ mới ở Mỹ sẽ dễ dãi hơn, thì đó là họ đang tự dối mình."
Trong khi đó, một giới chức cao cấp của chính phủ Hoa Kỳ, không muốn nêu danh tánh, cho biết rằng Washington đang tiến hành một cuộc duyệt xét ở cấp cao về lập trường đối với Bắc Triều Tiên.