Indonesia hôm nay đóng cửa thị trường chứng khoán sang tới ngày thứ 3 liên tiếp để ngăn chận những vụ bán tống bán tháo trong lúc các thị trường trên khắp thế giới tiếp tục sụt giá vì mối lo ngại về vụ khủng hoảng tài chánh ở Mỹ. Từ Jakarta, thông tín viên đài VOA Nancy-Amelia Collins gởi về bài tường thuật chi tiết sau đây.
Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Jakarta Erry Firmansyah cho báo chí biết rằng kế hoạch mở cửa lại thị trường trong ngày hôm nay đã bị hủy bỏ với mục đích mà ông cho là 'bảo vệ các nhà đầu tư và ngăn không để xảy ra thêm những vụ sụt giá mạnh'.
Trước đó, giới hữu trách Indonesia dự định mở cửa thị trường trở lại sau hai ngày tạm ngưng giao dịch, nhưng họ đã quyết định tiếp tục đóng cửa sau khi các loại cổ phiếu ở Á châu sụt giá vì nhiều nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu để lấy tiền mặt.
Ông Fuad Rahmani, người đứng đầu cơ quan quản lý thị trường vốn của chính phủ Indonesia, cho biết rằng thị trường sẽ mở cửa lại vào thứ hai.
Ông Fuad nói: "Chúng tôi hy vọng là chúng tôi sẽ chuẩn bị tốt hơn để mở cửa thị trường vào thứ hai vì thị trường bây giờ đã trở nên mất hợp lý. Chúng tôi cần cung cấp nhũng thông tin chính xác cho thị trường ngõ hầu thị trường có thể có quyết định hợp lý hơn vào ngày thứ hai tới đây."
Chỉ số chính của Indonesia đã sụt hơn 20% trong tuần này, chủ yếu là vì tình trạng hỗn loạn tài chánh ở Hoa Kỳ. Từ đầu năm tới nay chỉ số này đã giảm 47%.
Tối hôm qua, chính phủ loan báo những biện pháp mới để bảo vệ kinh tế, kể cả việc nới lỏng tỉ lệ dự trữ của các ngân hàng thương mại, giảm bớt những hạn chế đối với các công ty niêm yết trong việc mua lại cổ phần, và nới lỏng các qui định định về kế toán liên quan tới trị giá công bằng của tích sản.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Helmi Arman, một kinh tế gia của Ngân hàng Danamon Indonesia, những biện pháp mới của chính phủ có phần chắc sẽ không thể phục hồi sự bình tĩnh cho thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ và khu vực ngân hàng.
Ông Helmi nói: "Mọi người đều chú tâm theo dõi những gì đang xảy ra trên toàn thế giới. Vấn đề khiến cho thị trường tuộc giốc là một vấn đề có tính chất toàn cầu nhiều hơn là tính chất quốc nội. Những biện pháp mà chúng ta vừa bắt đầu áp dụng, chẳng hạn như nới lỏng các qui định về thị trường hay những đòi hỏi về tỉ lệ dự trữ, là những biện pháp tích cực. Có làm thì tốt hơn là không làm gì cả. Nhưng những biện pháp này có ngăn được đà sút giảm của thị trường hay không? Tôi phải nói thật là có rất ít tác dụng."
Song song với việc chứng khoán sụt giá, các chỉ tệ ở Á Châu cũng bị giao động mạnh, khiến cho các chính phủ ở Indonesia, Ấn Ðộ và Nam Triều Tiên phải can thiệp bằng cách bán đô la ra thị trường.