Các chính phủ trên khắp thế giới đang ra sức vực dậy các ngân hàng với việc tiến hành những chương trình cứu nguy trị giá nhiều tỉ đô la.
Họ đang tìm cách giúp cho các ngân hàng cho vay trở lại và tái khởi động thị trường tín dụng đang bị đình trệ và đe dọa đưa thế giới vào cuộc suy thoái.
Hành động có phối hợp này đã trấn an nhiều nhà đầu tư. Các chỉ số chính ở Hồng Kông, Anh, Pháp, Đức và Hoa Kỳ đã tăng từ 4% đến 10%, ngược hẳn với những vụ sụt giá mạnh trong tuần vừa qua. Tuy nhiên, một thị trường chính ở Moskova đã sụt giá nhiều đến nỗi phải tạm đóng cửa.
Chính phủ Anh cho biết họ sẽ cung cấp hơn 63 tỉ đô la cho 3 ngân hàng chính. Nếu các ngân hàng này tiếp nhận toàn bộ số vốn đó thì chính phủ ở London sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của các tổ chức tài chánh này.
Chính phủ Đức quyết định thực hiện một kế hoạch cứu nguy trị giá hơn 600 tỉ đô la để vực dậy hệ thống tài chánh. Họ đề nghị cung cấp thêm tiền cho các ngân hàng và bảo chứng cho nhiều khoản cho vay.
Hoa Kỳ cho biết họ đang nhanh chóng hành động để xúc tiến kế hoạch cứu nguy 700 tỉ đô la. Chính phủ của Tổng thống Bush đã bổ nhiệm những viên giám đốc lâm thời cho nỗ lực này và tham khảo ý kiến các chuyên gia pháp luật về phương cách để mua cổ phần trong các ngân hàng và mua lại những khoản đầu tư bị thua lỗ từ các tổ chức tài chánh.
Cựu Bộ trưởng tài chánh Hoa Kỳ Lawrence Summers, tuyên bố rằng những vấn đề trên thị trường chứng khoán chỉ là một vấn đề phụ, còn vấn đề cực kỳ thiết yếu hiện nay là phải nhanh chóng khôi phục hệ thống ngân hàng.
Hôm qua, Tổng thống Nicolas Sarkozy của Pháp loan báo rằng 16 chính phủ Âu Châu đã đồng ý về một kế hoạch để các ngân hàng cho vay tiền lẫn nhau.
Sau cuộc họp cấp cao ở Paris, ông Sarkozy nói rằng những nước hành động riêng rẽ sẽ không thể làm điều gì có tính chất xây dựng trong vụ khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.
Cũng trong ngày hôm qua, các giới chức của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhóm họp ở Washington đã đồng ý bảo vệ cho các nước nghèo và dễ bị tổn thương trong vụ khủng hoảng tài chánh.