Giá chứng khoán trên thị trường tài chánh Wall Street liên tục lên xuống trong ngày giao dịch hôm thứ năm trong lúc trước đó các thị trường tại châu Á lẫn châu Âu đều rớt giá mạnh do những lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng và kéo dài. Từ Tòa Bạch Ốc, thông tín viên Kent Klein của Đài VOA có bài tường trình sau đây.
Những tin tức bi quan về nền kinh tế Mỹ đã khiến giới đầu tư lo ngại rằng sự trì trệ của nền kinh tế toàn cầu có thể chuyển thành một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Các chỉ số chính trên thị trường tài chánh New York đã giảm vào khoảng giữa phiên giao dịch hôm thứ năm, sau khi các báo cáo của chính phủ công bố cho thấy sản lượng công nghiệp của Hoa Kỳ đã giảm gần 3% trong tháng 9 vừa qua.
Đây là mức giảm cao nhất tính trong vòng 34 năm qua. Một số cổ phiếu đã tăng giá trở lại trong phiên giao dịch đầy biến động ngày hôm qua.
Báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tại Philadelphia cũng cho biết rằng hoạt động sản xuất trong khu vực này đã sút giảm đáng kể trong tháng 10 .
Tuy nhiên số liệu của một vài báo cáo kinh tế khác vừa được phổ biến không đến nỗi bi quan như những dự đoán trước đó. Bộ Lao động Hoa Kỳ cho hay Chỉ số giá tiêu dùng của tháng chín không thay đổi, và tuần vừa rồi là lần đầu tiên số đơn đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp giảm.
Thị trường chứng khoán chính tại các nơi trên thế giới đã mất giá nghiêm trọng trong phiên giao dịch hôm qua. Chỉ số Nikkei của Tokyo mất hơn một ngàn điểm, khoảng 11% - đây là cú rớt giá lớn nhất của thị trường này tính từ sau vụ thị trường chứng khoán Nhật Bản sụp đổ hồi năm 1987. Cùng lúc đó chỉ số Hàng Sinh của Hồng Kông giảm 5%, tương đương với 768 điểm.
Còn tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm gần 5,4%, chỉ số CAC của Pháp mất gần 6%, và chỉ số DAX của Đức giảm gần 5%.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tiếp tục kéo giá dầu hỏa xuống. Giá dầu có lúc xuống chỉ còn 69 đôla một thùng hôm thứ năm, tức là thấp hơn một nửa của giá kỷ lục vào tháng 7 năm nay. Mức cầu dầu hỏa cũng rơi xuống mức thấp nhất tính trong 16 tháng qua.
Trong khi đó tại Washington, Tổng thống George W. Bush đã cố trấn an những lo âu về nền kinh tế.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói: “Người dân ở khắp nơi trên thế giới đều đang lo lắng về cuộc khủng hoảng tài chánh, và họ lo lắng như vậy là đúng. Chính phủ Hoa Kỳ đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng này.”
Tổng thống Bush nói rằng kế hoạch cứu nguy cho ngành tài chánh có kinh phí 770 tỉ đôla vừa được áp dụng sẽ tạo một lực đẩy cần thiết cho các thị trường.
Ông nói một trong những biện pháp dài hạn hữu hiệu nhất để giúp khôi phục lại niềm tin là gia tăng các hoạt động mậu dịch.
Tổng thống Bush nói: “Năm ngoái Hoa Kỳ đã đạt được kỷ lục về doanh số xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ, là một ngàn sáu trăm tỉ đôla. Doanh thu xuất khẩu hiện nay đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội với một tỉ lệ cao nhất trong lịch sử của chúng ta.”
Tổng thống Bush đã phát biểu như vậy sau khi ký gia hạn thỏa thuận về các điều kiện ưu đãi mậu dịch với các nước Nam Mỹ hợp tác với Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống ma túy.
Tổng thống Bush nói rằng ông muốn xóa tên Bolivia ra khỏi danh sách các nước nằm trong thỏa thuận này, bởi vì Bolivia không giữ đúng những gì họ đã cam kết trong nỗ lực chống các hoạt động buôn lậu ma túy.
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói: “Rất tiếc là tôi phải đề nghị đình chỉ các điều kiện ưu đãi mậu dịch với Bolivia cho đến khi nào nước này thực hiện đầy đủ những bổn phận của họ.”
Thỏa thuận này tiếp tục được áp dụng với Ecuador và Peru, cũng như Columbia. Columbia là nước đang chờ quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận mậu dịch tự do giữa hai nước.
***
Sau một ngày giao dịch nhiều thay đổi, chỉ số chứng khoán trên thị trường Mỹ tăng mạnh vào lúc thị trường đóng cửa.
Chỉ số Dow Jones tăng gần 5%, đạt 8.979 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,5%, đạt 946 điểm. Chỉ số NASDAQ tăng 5,5%, đạt 1,718 điểm.