Trong tuần qua, đồng tiền won của Nam Triều Tiên đã rớt giá xuống mức thấp nhất tính từ 10 năm qua, so với đồng đôla Mỹ. Trong bối cảnh những bất ổn tài chính toàn cầu, giới đầu tư Nam Triều Tiên đã đổ xô nhau đi mua đôla Mỹ, khiến cho đồng đôla lại càng lên giá. Những nạn nhân trực tiếp của sự kiện đồng won mất giá là một số người đàn ông Nam Triều Tiên được mệnh danh là những ông “Ngỗng Bố”. Mời quý vị nghe lời giải thích của Thông Tín Viên Kurt Achin của đài VOA qua bài tường trình chi tiết gửi về từ Seoul.
Ông Kim Heung-kuk là người tương đối được nhiều người Nam Triều Tiên biết đến. Ông ta nằm trong nhóm những người nổi danh, chí thú làm việc, có thu nhập khá, nhưng chưa được liệt vào thành phần đại gia.
Ông đã sáng tác một bản nhạc ăn khách cách đây đã lâu, bây giờ thì thỉnh thoảng ông xuất hiện trên các mục quảng cáo, và có một chương trình nói chuyện với thính giả trên một đài phát thanh ở Hán Thành.
Ngoài ra, ông Kim còn thuộc một thành phần khác, thành phần mà người Nam Triều Tiên gọi là “kiroggi aboji”, những “Con Ngỗng Bố”.
Bà vợ ông Kim sống tại bang Hawaii với 2 người con, đang theo học ở các trường Mỹ. Chi phí cho cả 3 mẹ con như: tiền nhà, tiền ăn, tiền trường, phải trả bằng đôla Mỹ.
Cụm từ “Con Ngỗng Bố” xuất phát từ văn hóa Nam Triều Tiên, xem con ngỗng là biểu tượng cho loài vật một mực chăm lo và bảo vệ gia đình.
Cũng giống như nhiều người đàn ông có vợ con đang sống tại Hoa Kỳ, ông Kim chấp nhận ở lại Nam Triều Tiên, chí thú làm việc để có tiền cung cấp cho gia đình bên Mỹ.
Vấn đề ở đây là ông Kim lãnh lương bằng đồng won, trong khi đôla Mỹ tiếp tục lên giá.
Cách đây một năm, chỉ cần hơn 900 won là ta có thể đổi được 1 đôla. Trong tuần này, phải cần đến 1.400 won.
Điều đó có nghĩa là ông Kim phải làm cách nào có thêm 50% thu nhập thì mới giữ cho cuộc sống của 3 người thân bên Mỹ khỏi bị sa sút.
Ông Kim nói rằng trước đây, đồng đôla đâu có quá cao như thế. Bây giờ với tỷ giá cao tới nóc nhà này thì quả là khá vất vả cho ông và cho những ông ngỗng bố khác.
Vì vậy ông Kim phải làm thêm một việc nữa để tăng thu nhập. Và ông nhìn nhận rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu buộc ông phải thay đổi một số thói quen.
Ông nói hằng ngày ông theo dõi thông tin để xem tình hình đã khá hơn chưa. Vợ ông và 2 người con bên Mỹ bây giờ phải bớt đi ăn tiệm và bớt lái xe đi chơi hơn trước. Riêng cá nhân ông thì phải bớt uống rượu.
Hiện không có số liệu chính xác để biết được có bao nhiêu ông ngỗng bố như ông Kim, thế nhưng người ta phỏng đoán là có gần 100.000 người thuộc thành phần này.
Cho đến giờ này, các ông ngỗng bố Nam Triều Tiên vẫn tự nhủ rằng sự hy sinh của họ cho gia đình cũng đáng công, bởi vì con cái họ đã thông thạo tiếng Anh, chúng được học hành để thu thập những kỹ năng để giải quyết vấn đề, thay vì theo lối học từ chương thuộc lòng kiểu châu Á.
Ông Kim nói rằng một số ông ngỗng bố đang nghĩ đến chuyện đưa con cái về lại Nam Triều Tiên một hai năm cho đỡ tốn kém, thế nhưng riêng ông và vợ ông vẫn tiếp tục phấn đấu, bởi vì một trong 2 đứa con sắp sửa ra trường.
Trong khi chờ đợi, ông Kim dự tính vẫn tiếp tục đi làm, chiều về lủi thủi một mình, và tiếp tục hy vọng rồi mai đây, đồng đôla sẽ trở về mức cũ.