Thượng nghị sĩ John Mc Cain đã đánh dấu việc chấm dứt cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc dưới bầu trời đầy sao tại bang Arizona yêu dấu của ông. Thông tín viên đài VOA Paula Wolfson có mặt tại bản doanh của ông tại Phoenix vào ngày cuối cùng của cuộc tranh cử, và ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Tại Phoenix, các cử tri đã có mặt từ trước bình minh, nối nhau thành những hàng dài cả mấy khu phố.
Người thì bầu cho John McCain, người thì bầu cho Barack Obama. Tất cả đều cảm thấy đây không phải là một cuộc bầu cử bình thường mà là một cuộc bầu cử lịch sử.
Tại một địa điểm bầu cử trong một ngôi nhà thờ màu trắng đơn sơ dưới bóng ngọn núi Camelback, viên chức bầu cử Michael Calderon đang đứng nhìn đám đông và nói.
Ông Calderon nói: “Cho tới nay mọi người đều có ý kiến nhất định. Mọi người đều hăng hái đi bầu và thực sự quan tâm sao cho lá phiếu của họ có giá trị. Họ thực sự muốn tham dự vào cuộc bầu cử này. Tất cả mọi người đều biết đây là một cuộc bầu cử trọng đại và họ thực sự mong có tiếng nói của mình trong đó.”
Ông McCain đi bỏ phiếu tại địa điểm này, và lôi cuốn một đám đông phóng viên và những người hiếu kỳ. Nhưng phần lớn cử tri bình thản trở về với việc riêng của họ, rời phòng phiếu với những huy hiệu và sticker cho thấy là mình đã bỏ phiếu. Đối với Lynn Beyer, đó là một dấu hiệu danh dự.
Bà Beyer nói: “Tôi nghĩ chúng ta không nên coi thường quyền tự do bầu cử, quyền tự do lắng nghe ý kiến của mọi phía, quyền có những quyết định có cân nhắc của mình. Tôi cho đó là một điều hiếm hoi và không phải xảy ra ở mọi nơi trên thế giới. Vì vậy, tôi cảm thấy rất phấn khởi.”
Khi các phòng phiếu đóng cửa, những người thuộc đảng cộng hòa tại Arizona tụ họp tại nột khu du lịch để theo dõi kết quả. Việc này diễn ra khá âm thầm, các nhân vật lãnh đạo đảng qui tụ đám đông để nhắc nhở họ về những kết quả bất ngờ trong lịch sử chính trị Mỹ.
Nhưng phép mầu đã không xảy ra. Vào lúc choạng vạng tối thượng nghị sĩ McCain đã bước ra bãi cỏ của khách sạn Bilmore, và thừa nhận thất cử.
Ông McCain nói: “Chúng ta đã đi tới cuối một cuộc hành trình dài. Dân Mỹ đã lên tiếng, đã tỏ rõ thái độ”.
Vài người ủng hộ lâu dài của ông đã rưng rưng nước mắt. Những người khác hô to các khẩu hiệu tranh cử cũ, như thể họ đang ở trong cuộc hội họp cuối cùng của ông McCain.
Nhưng ngay khi ông rời khán đài, đám đông đã mau chóng tản ra để đi về nhà. Những biểu ngữ được dẹp đi. Giàn nhạc thu xếp các nhạc cụ. Tiếng nhạc không còn vang lên nữa.
Ông Tyler Mott ngồi bên lề sân khấu suy tư về tương lai.
Ông Mott nói: “Chúng tôi sẽ làm mọi chuyện có thể làm để ủng hộ tân Tổng thống khi ông làm đúng. Và chúng tôi sẽ là phe đối lập tuyệt đối khi ông sai.”
Ông Mott nói các đảng viên đảng Cộng hòa cần phải tập họp tổ chức lại nhiều thứ. Và ông thề họ sẽ không chỉ ngồi yên để than tiếc về sự thất cử.
Ông Mott nói: “Một trong những điểm khác nhau giữa những người đảng viên Cộng hòa và người đảng viên Dân Chủ là khi phe Dân chủ bị thất bại hồi năm 2002 và 2004 họ đã rất nản lòng, họ buồn bực và tức giận. Chúng tôi thì không như vậy. Những người Cộng hòa chúng tôi thì chỉ nhìn về phía trước, chúng tôi cho rằng không có gì là không thể vượt qua và chúng tôi làm điều gì có thể để nước Mỹ trở nên tốt đẹp hơn.”
Đã có những tình cảm lẫn lộn được bầy tỏ khi cuộc tụ họp trong đêm bầu cử của đảng Cộng hòa tới hồi kết thúc: người thì buồn chán, người thì lộ vẻ thách thức. Nhưng tất cả đều cất lên lời thề: 'Hãy đợi đến năm 2012 đảng Cộng hòa sẽ trở lại'.