Nam Triều Tiên cam kết hậu thuẫn cho một nghị quyết của Liên hiệp quốc nhằm chỉ trích những vụ chà đạp nhân quyền ở Bắc Triều Tiên. Theo tường thuật do thông tín viên Kurt Achin gởi về từ Hán Thành, quyết định này khác với lập trường của chính phủ trước đây Nam Triều Tiên là tránh đề cập tới vấn đề nhân quyền vì mối quan hệ tế nhị với miền Bắc.
Mới đây, một buổi lễ trang nghiêm đã được cử hành gần khu phi quân sự phân chia hai miền Triều Tiên.
Một nhóm những người Bắc Triều Tiên đào tị đã làm lễ cầu siêu cho hai triệu đồng bào miền bắc mà họ nói là đã thiệt mạng vì đói khát và áp bức dưới sự cai trị ông của Kim Jong Il.
Bà Kim Yeo Sun - một người đào tị, năm nay 72 tuổi, đã trình diễn vũ điệu salpuri cổ truyền - một điệu múa mà người Triều Tiên dùng để loại trừ những tình cảm buồn rầu và nóng giận.
Mặc dù vậy, khi nói về cuộc sống trước đây của bà ở Bắc Triều Tiên, trong tim của bà Kim rõ ràng là vẫn còn nhiều điều buồn bã và phẫn nộ.
Bà Kim cho hay: cha mẹ bà đã bị chết đói và không được chôn cất tử tế. Một người con trai của bà qua đời vào lúc 9 tuổi, và một người con khác bị bắn chết vào lúc 23 tuổi, khi bị cảnh sát Trung Quốc bắt được gần biên giới Bắc Triều Tiên. Chồng bà bị bắt giam ở một nhà tù mà những tù nhân thường bị giam trọn đời. Bà nói rằng bà không nhận được tin tức gì của chồng từ đó tới nay.
Bà cho biết thêm rằng bà và mọi người trong gia đình đã bị giam trong 9 năm tại nhà tù Yokud khét tiếng chỉ vì một tội danh mơ hồ về chính trị. Bà nói rằng bà bị bắt phải làm việc từ sáng tinh mơ cho tới tối mịt mà chỉ được ăn một ít bắp và muối.
Những hình ảnh của nhà tù Yoduk và những trại tù khác ở Bắc Triều Tiên do vệ tinh chụp được đã được phổ biến năm 2003 trong một phúc trình của ông David Hawke, có nhan đề 'Quần đảo ngục tù bị che dấu'.
Ông Hawke, một viên chức của Ủy ban Hoa Kỳ cho nhân quyền Bắc Triều Tiên, nói rằng Liên hiệp quốc nên làm áp lực đòi Bình Nhưỡng thay đổi.
Ông Hawke nói: "Chúng tôi tin rằng những vụ vi phạm trong quần đảo ngục tù là một tội ác chống nhân loại rất rõ ràng và có qui mô lớn."
Nghị quyết của Liên hiệp quốc yêu cầu Bắc Triều Tiên cải thiện nhân quyền dự kiến sẽ được mang ra biểu quyết tại Đại Hội đồng Liên hiệp quốc trong năm nay.
Nam Triều Tiên cho biết họ nhất định ủng hộ cho nghị quyết này.
Một đại biểu quốc hội Nam Triều Tiên, ông Hwang Jin Ha nói rằng nước ông cần phải tích cực hơn đối với vấn đề nhân quyền ở Bắc Triều Tiên.
Ông Hwang nói rằng Nam Triều Tiên nên thông qua luật lệ để đòi hỏi sự thay đổi về chính sách nhân quyền ở Bắc Triều Tiên. Ông nói rằng đây là một hành động cần thiết vì dân chúng ở Bắc Triều Tiên đang bị nạn đói và rất khốn đốn.
Ông Hwang đang bảo trợ cho một dự luật bắt buộc chính phủ Nam Triều Tiên gia tăng hỗ trợ cho các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền và nâng cao vị trí của vấn đề nhân quyền trong các cuộc tiếp xúc ngoại giao với miền Bắc.
Những chính phủ trước ở Nam Triều Tiên đã giữ im lặng đối với vấn đề nhân quyền Bắc Triều Tiên để tránh gây tức giận cho chính phủ ở Bình Nhưỡng và để cải thiện mối quan hệ Liên Triều.
Chính phủ của Tổng thống Lee Myung Bak, người lên nắm quyền hồi tháng giêng, đã có thái độ tích cực hơn. Ông Hwang, một nhà lập pháp thuộc đảng bảo thủ của Tổng thống Lee Myung Bak, nói rằng dự luật nhân quyền có thể giúp cho cuộc đối thoại với Bắc Triều Tiên về đề tài này được dễ dàng hơn.
Theo ông Hwang, nếu dự luật được thông qua, các giới chức Nam Triều Tiên sẽ phải tuân hành, và họ chỉ cần nói như vậy với Bắc Triều Tiên. Ông Hwang cho rằng điều này sẽ giúp cho giới hữu trách Bắc Triều Tiên cảm thấy bớt căng thẳng hơn trong các cuộc thảo luận.
Theo lịch trình, dự luật nhân quyền này sẽ được mang ra biểu quyết trước cuối năm nay.