Các thị trường chứng khoán từ châu Á đến châu Mỹ, lại trải qua thêm một ngày rớt giá. Thông tín viên đài VOA Micheal Bowman tường thuật từ thủ đô Washington rằng giới đầu tư vội vàng bán chứng khoán ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Bush loan báo một chuyển hướng quan trọng trong chiến lược cứu nguy các định chế tài chính gặp khó khăn, trong khi đó các nhà lãnh đạo Quốc hội cam kết hỗ trợ cho ngành công nghiệp xe hơi Hoa Kỳ đang suy sụp nặng.
Tháng trước, Quốc hội Hoa Kỳ đã chấp thuận một chương trình cứu nguy với toàn bộ số tiền lên đến 700 tỉ đôla, nhằm cứu các công ty tài chính bị tác động nghiêm trọng do hàng loạt các vụ ngân hàng phải tịch biên nhà vì người mua không thể trả nợ. Mục tiêu của chương trình cứu nguy là mở lối cho thị trường tín dụng đang bị siết lại do hệ quả này, và giúp giảm bớt tình trạng suy sụp kinh tế nghiêm trọng lan ra trên toàn cầu.
Vào thời điểm đó, Bộ Tài chính nói rằng một phần lớn của ngân khoản này sẽ được dùng để mua các tích sản bị lỗ lã, trong đó có các khoản nợ khó đòi do những người vay tiền mua nhà không còn khả năng trả nợ. Người ta hy vọng rằng với gánh nặng nợ được xóa đi, các ngân hàng và các định chế tài chính khác sẽ được củng cố, và tình trạng thiếu tín dụng sẽ giảm bớt.
Tuy nhiên, kế hoạch này giờ đây đã thay đổi. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Henry Paulson giải thích về sự thay đổi này tại một cuộc họp báo hôm thứ tư.
Bộ trưởng Paulson nói: “Trong mấy tuần qua, chúng tôi liên tục theo dõi lợi ích tương đối của việc mua lại các tài sản bị mất giá liên quan đến địa ốc. Và theo sự thẩm định của chúng tôi ở thời điểm này thì đó không phải là giải pháp hữu hiệu nhất để sử dụng ngân khoản cứu nguy của chính phủ. Tuy nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi để xem liệu là hình thức mua các tích sản này có lợi ích gì trong việc củng cố hệ thống tài chính của chúng ta, và có hỗ trợ cho hoạt động cho vay hay không.”
Chính quyền của Tổng thống Bush đã xúc tiến một chương trình đầu tư trực tiếp chưa hề có trước đây của chính phủ vào các ngân hàng, qua việc mua chứng khoán, tức là phần nào quốc hữu hóa hệ thống ngân hàng của Mỹ. Trong mấy tuần qua, chính phủ ở các nước châu Âu và các nơi khác cũng đã có các biện pháp tương tự.
Bộ trưởng Tài chính Paulson cho biết ý định của ông nhằm đẩy mạnh hoạt động của các định chế cung cấp tín dụng tiêu thụ dưới hình thức thẻ tín dụng, cũng như qua việc cho sinh viên vay tiền đi học và cho vay mua xe hơi.
Các điều kiện tín dụng bị siết chặt càng tăng thêm khó khăn cho các công ty sản xuất xe hơi của Mỹ, vì một số người tiêu thụ không thể vay tiền mua xe. Tuy nhiên các công ty sản xuất xe hơi của Mỹ đã lâm vào tình trạng khó khăn ngay cả trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính, vì bị mất thị phần vào tay các hiệu xe nước ngoài, cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng với các loại xe ít tốn xăng. Thêm vào đó các hãng xe hơi Mỹ còn bị gánh nặng phí tổn sản xuất quá lớn, do phải trả hưu bổng cho nhân viên nghỉ hưu và bảo hiểm y tế cho công nhân.
Sau nhiều năm thua lỗ nặng, 3 công ty sản xuất xe hơi lớn nhất ở Hoa Kỳ, là General Motors, Ford và Chryler, cho biết họ có thể bị phá sản trong vài tháng tới đây. Theo Thống đốc Jennifer Granholm của bang Michigan, nơi ngành công nghiệp xe hơi đặt trụ sở chính, thì hệ quả như vậy là điều không thể nào tưởng được.
Thống đốc Granholm nói: “Công nghiệp xe hơi thuê mướn 1 phần 10 lực lượng công nhân ở Mỹ. Nếu để cho công nghiệp này phá sản thì sẽ ảnh hưởng đến cả nước.”
Các nhà lãnh đạo Quốc hội thuộc đảng Dân chủ đang thúc đẩy việc dành 25 tỉ đô la trong ngân khoản 700 tỉ của chương trình cứu nguy tài chính để cho các công ty sản xuất xe hơi vay.
Thượng nghị sĩ Carl Levin của bang Michigan nói rằng ngân khoản đang được thảo luận rất nhỏ so với số tiền dành để hỗ trợ cho công ty bảo hiểm lớn nhất nước là American International Group, gọi tắt là AIG.
Thượng nghị sĩ Levin nói: “150 tỉ đôla đã được chi cho tập đoàn bảo hiểm AIG. Như vậy 25 tỉ đôla để cho ngành công nghiệp xe hơi, một công nghiệp đóng vai trò trọng điểm trong nền kinh tế, thì không có gì là bất hợp lý.”
Tuy nhiên những người nghi ngờ về biện pháp này lập luận rằng việc việc chính phủ bơm tiền vào cho các công ty này sẽ chỉ làm chậm lại quá trình khánh tận mà không giải quyết được các nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng xuống dốc của công nghiệp xe hơi ở Mỹ. Họ nêu lên rằng nhiều hãng hàng không đã bị phá sản, đã tổ chức lại và đang vươn lên mạnh nhờ điều đó.