Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Condoleezza Rice, nói rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm mùng 4 tháng 11 là một tấm gương cho thế giới thấy được phương cách để một quốc gia có thể vượt qua những tranh chấp nội bộ. Bà Rice đã lên tiếng hôm thứ Năm, trong dịp kỷ niệm thứ 15, ngày thành lập Viện chính sách công cộng James Baker thuộc Đại học Rice tại Houston. Thông tín viên đài Tiếng Nói Hoa Ky Greg Flakus có mặt tại buổi lễ tường và cho biết như sau trong bài tường thuật sau đây.
Ngoại trưởng Rice đã nói lên tầm quan trọng của cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ mới đây đối với thế giới và đối với Hoa Kỳ. Bà ghi nhận việc dân chúng ở các nước xa xôi đã theo dõi cuộc bầu cử tại Mỹ, ngay từ những cuộc họp bầu tại Iowa để chọn ứng cử viên khởi sự từ đầu tháng giêng. Bà Rice cũng đề cập tới ý nghĩa của việc ông Barack Obama trở thành người Mỹ gốc Phi châu đầu tiên đắc cử Tổng thống Hiệp chủng quốc. Bà nói rằng Hoa Kỳ đã cho thấy nền dân chủ Mỹ đã xóa đi sự chia rẽ giữa các nhóm chủng tộc và sắc tộc như thế nào.
Bà Rice nói: “Đối với 1 người con gái như tôi, một người lớn lên ở thành phố Birmingham của tiểu bang Alabama, vùng mà người dân từng bị cách ly vì chủng tộc, thì việc bầu ra một vị Tổng thống gốc Phi châu là 1 điều phi thường, và nó nói cho thế giới biết rằng, những dị biệt vẫn có thể vượt qua, và trong một thế giới mà trong đó sự dị biệt vẫn là cái cớ để giết nhau, thì đó là 1 thông điệp vô cùng quan trọng.”
Trong lúc chuẩn bị rời khỏi chức vụ ngoại trưởng, bà Rice nói là có 2 vấn đề còn dở dang khiến bà lo ngại hơn nhiều so với những vấn đề đối ngoại mà Hoa Kỳ đang phải ứng phó. Bà nói việc đầu tiên là nhu cầu cải tổ toàn diện vấn đề nhập cư, để cho những người còn sống trong bóng tối có thể có qui chế hợp pháp để sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ. Bà cho rằng thái độ bài bác di dân có thể làm suy yếu đi một trong những giá trị đã khiến cho Hoa Kỳ trở nên vĩ đại.
Bà Rice nói: “Nếu chúng ta không phục hồi cái tinh thần mở rộng vòng tay đối với những người muốn trở thành một phần của chúng ta, chúng ta sẽ làm mất đi một phần giá trị của mình.”
Ngoại trưởng Rice cho biết điều lo lắng thứ nhì của bà cho nước Mỹ là tình trạng giáo dục. Bà Rice nêu lên sự kiện bà là một giáo sư đại học trước khi làm việc cho chính phủ, và bà nói rằng bà luôn luôn tin tưởng là giáo dục chính là phương tiện để cho một người xuất thân từ hoàn cảnh nghèo túng khó khăn có thể đạt được những thành tựu lớn. Bà Rice nói thêm rằng sự thiếu thốn một nền giáo dục tốt đẹp có thể hạn chế tương lai của nước Mỹ.
Bà Rice nói: "Với tư cách một nhà giáo dục, tôi cảm thấy đau lòng; nhưng với tư cách ngoại trưởng, tôi cảm thấy hoảng sợ. Bởi vì nếu chúng ta không thể giáo dục tốt dân chúng của mình, tôi đoan chắc là chúng ta sẽ chui vào cái vỏ của mình, chúng ta tìm cách tự bảo vệ, và trở nên sợ hãi thế giới bên ngoài. Và đó sẽ là một tai họa cho thế giới vì Hoa Kỳ sẽ không thể lãnh đạo nếu không tin là người dân của mình có đủ khả năng để cạnh tranh với các nước khác.”
Theo bà Rice, thế giới muốn Hoa Kỳ đảm nhận vai tuồng lãnh đạo và họ xem nước Mỹ như một nơi có vô vàn cơ hội. Bà nói rằng thực tế này khiến cho một vấn đề quốc nội như giáo dục cũng có tầm quan trọng không khác gì một vấn đề thuộc chính sách ngoại giao, bởi vì giáo dục chính là chìa khóa để thực hiện một lý tưởng của người Mỹ, đó là điều quan trọng nhất chẳng phải là một người nào đó là ai và từ đâu tới, mà là người đó có khả năng làm được việc gì.