Phe đối lập ở Thái Lan kêu gọi chính phủ mở các cuộc đàm phán với những người biểu tình chống chính phủ, trong cố gắng xoa dịu căng thẳng chính trị sau khi một cuộc tụ tập bên ngoài quốc hội cản trở một phiên họp chung của hai viện quốc hội. Cuộc tụ tập thu hút hàng chục ngàn người chống đối chính phủ đã diễn ra một cách ôn hoà, sau khi cảnh sát và lực lượng an ninh để yên không can thiệp. Từ Bangkok, thông tín viên đài VOA Ron Corben ghi nhận thêm chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Hôm nay, hàng chục ngàn người biểu tình chống chính phủ đã tụ tập quanh trụ sở quốc hội ở thủ đô Thái Lan, khiến chủ tịch quốc hội phải đình lại một phiên họp chung nhằm thông qua một dự luật quan trọng.
Đến giữa buổi sáng thì các diễn giả của Liên minh Nhân dân Đấu tranh cho Dân chủ, đã hân hoan báo cho những người ủng hộ biết rằng chính phủ không thể tổ chức phiên họp được. Trụ sở quốc hội đã bị cúp điện.
Liên minh vừa kể, còn gọi tắt là PAD, đã phong tỏa toà nhà chính phủ từ hồi cuối tháng 8, trong cố gắng lật đổ chính phủ mà họ cho là thay mặt cho cựu thủ tướng Thaksin Shinawat.
Hồi sớm hôm nay, cảnh sát đã để cho hàng ngàn người biểu tình tụ tập bên ngoài trụ sở quốc hội. Tính cách ôn hoà của cuộc biểu tình ngược hẳn với một cuộc biểu tình tương tự hồi đầu tháng 10, là lúc lực lượng an ninh đã nổ súng và dùng hơi cay mắt, và đã có 2 người thiệt mạng và khoảng 400 người khác bị thương.
Ở các nơi khác hôm nay, hàng trăm người biểu tình chống chính phủ đã chận lối ra vào của trụ sở Cảnh sát Thành phố và các bộ chính.
Ông Chris Baker, một tác giả và nhà bình luận về chính sự Thái, nói rằng mặc dù không có bạo động, triển vọng vẫn chưa rõ rệt, vì cả hai bên ủng hộ và chống chính phủ đều trông đợi một cuộc “thử thách sức mạnh” về số lượng người để được hậu thuẫn của quần chúng. Oâng Baker cho rằng sách lược của PAD vẫn là tập trung vào điều ông gọi là các “mục tiêu tượng trưng.”
Ông Baker nói: “Đây quả là một hành động sách lược khôn khéo, để tập trung khi lực lượng vào các mục tiêu tượng trưng chủ yếu ở thủ đô. Ta thấy rõ ràng đầu tiên là tòa nhà chính phủ, bây giờ là trụ sở quốc hội. Vậy là sách lược nay nhắm vào sự thử thách sức mạnh, xem có thể đưa các lực lượng nào xuống đường và những nơi công cộng. Chỉ có trời mới biết được mọi chuyện sẽ đi đến đâu.”
Cuộc tụ tập diễn ra vào lúc các cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ đã được tổ chức, trong mấy tuần vừa qua, và cũng đã thu hút hàng chục ngàn người ủng hộ, đòi cựu thủ tướng Thaksin Shinawat trở lại nắm quyền.
PAD cho biết họ e rằng chính phủ đang tìm cách thông qua các khoản tu chính hiến pháp quan trọng nhằm đình chỉ những cuộc điều tra và xét xử ông Thaksin cùng gia đình và những người ủng hộ ông.
Đảng Dân chủ đối lập đã kêu gọi chính phủ và phe đối lập khởi sự việc đàm phán. Phát ngôn viên của đảng, ông Buranaj Samutharak nói rằng chính phủ phải đưa ra các bảo đảm rằng sẽ không xúc tiến việc tu chính hiến pháp vào lúc này.
Ông Samutharak nói: “Điều đó là cần thiết cho các cuộc thương lượng – nếu có thể diễn ra và xúc tiến. Chính phủ cần phải có hành động hay đưa ra lời hứa rằng đề nghị tu chính hiến pháp sẽ không được đưa ra bất kỳ phiên họp quốc hội nào.”
Thái Lan vẫn còn những mối chia rẽ sâu xa về chính trị. PAD đã đề nghị 'chính trị mới', với quốc hội có thành phần là các đại diện được bổ nhiệm và do dân cử, một biện pháp được coi như tước bỏ quyền đi bầu của nhiều cử tri ở các vùng nông thôn.
Nhưng giới trung lưu ở thành thị đã cáo buộc ông Thaksin là độc tài, cũng như đe doạ đến vai trò của các cơ chế độc lập, kể cả ngành tư pháp.
Ông Thaksin vẫn còn được nhiều người ủng hộ, nhất là trong giới lao động ở thành thị và ở các khu vực nông thôn chủ yếu miền đông bắc, nơi sự ủng hộ của dân chúng được xây dựng trên các chính sách kinh tế dân túy, như chăm sóc y tế rẻ tiền và cho vay ít phân lời để phát triển.