Phải bỏ ra bao nhiêu tiền thì kinh tế Hoa Kỳ mới trở lại khỏe mạnh giống như trước? Và món tiền này ở đâu ra? Thông Tín Viên Kent Klein của VOA ở Washington đi hỏi các nhà kinh tế và ghi lại các câu trả lời.
Chính phủ Hoa Kỳ có kế hoạch chi một khoản tiền lớn chưa từng thấy để phục hồi sự sinh động cho nền kinh tế.
Trước tiên là kế hoạch cam kết hơn 700 tỉ đôla để cứu nguy các định chế tài chính. Đó là chưa kể 152 tỉ đôla, thông qua biện pháp giảm thuế và các biện pháp khích động kinh tế khác mà chính phủ của Tổng Thống Bush đã đưa ra hồi đầu năm.
Chính phủ của ông Bush cũng chi một món tiền lớn để cứu đại công ty bảo hiểm AIG và hai đại công ty chuyên cho vay tiền mua nhà, là Fannie Mae và Freddie Mac. Trong những ngày tới, người ta còn trông đợi chính phủ sẽ phải ra tay cứu thêm những tên tuổi lớn của Mỹ như tập đoàn ngân hàng CitiGroup hoặc các đại gia trong ngành ôtô như General Motors, Ford và Chrysler.
Tổng Thống tân cử Barack Obama còn đề nghị một kế hoạch khích động kinh tế trong 2 năm, tốn kém từ 300 đến 700 tỉ đôla.
Với những con số to lớn như thế, thật khó mà biết được chính xác thực sự sẽ phải tốn bao nhiêu mới vực dậy lại được toàn bộ cỗ máy kinh tế Hoa Kỳ.
Mỗi nhà kinh tế đưa ra một con số mỗi khác. Nhà kinh tế đầu tiên, ông Gus Faucher, chuyên viên kinh tế vĩ mô của trang web Moody, cho rằng món tiền này có lẽ phải có ít nhất là 12 con số không.
Nhà kinh tế Faucher nói: “Đến khi xong xuôi, tôi nghĩ có lẽ vào khoảng gần 2.000 tỉ đôla , khi chúng ta cộng lại hết tất cả những kế hoạch kích thích, và chi phí của các chương trình cứu nguy khác nhau; mỗi chương trình đều đòi hỏi một món tiền không nhỏ.”
Mặc dù nước Mỹ có nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng không phải cứ hô lên là các món tiền cứ tự động chạy ra. Vậy thì các món tiền đó đến từ đâu? Nhà kinh tế Faucher nói rằng chính phủ Mỹ phải đi vay, phần lớn là vay của các nước khác.
Ông Faucher giải thích: “Chính phủ Mỹ sẽ phải phát hành trái phiếu, và hầu hết những người mua trái phiếu đó là người nước ngoài. Tóm lại, trong một ý nghĩa nào đó, chính các nước ngoài sẽ tài trợ cho chuyện thâm hụt ngân sách của nước Mỹ.”
Một câu hỏi nữa là liệu chính phủ Mỹ có thể thu hồi lại món tiền mà họ đã chi ra để phục hồi kinh tế hay không.
Kinh tế gia Ken Mayland, Giám Đốc trung tâm nghiên cứu kinh tế có tên là ClearView, nói rằng qua các kinh nghiệm trước đây, khi tung tiền ra để cứu nguy các đại công ty, chính phủ đều thu hồi lại được.
Nhà kinh tế Mayland nói: “Khi ta nhìn lại kế hoạch cứu nguy đại công ty sản xuất ôtô Chrysler trong đầu thập niên 1980, cuối cùng chính phủ chẳng những thu hồi được món tiền mà còn có lời nữa. Ngoài ra, sau vụ khủng bố 11 tháng 9, chính phủ Mỹ cũng có những chương trình tương tự như cứu nguy một số hãng hàng không, kết quả cũng tốt. Các món tiền chi ra trông có vẻ khủng khiếp, nhưng cuối cùng vẫn mang chút ít lời.”
Một câu hỏi khác là liệu các kế hoạch cứu nguy có mang lại hiệu quả không? Ông James Horney, chuyên viên về ngân sách tại viện nghiên cứu Ngân sách và Chính sách ở Washington, tin rằng mặc dù các kế hoạch khích động và cứu nguy không ngăn được chuyện suy trầm ngay tức khắc, nhưng chúng có thể làm dịu lại các ảnh hưởng của một nền kinh tế xuống dốc, và về đường dài, sẽ giúp kinh tế Mỹ quay lại đúng hướng.
Ông Horney nói: “Tôi nghĩ chúng ta có lý do để hy vọng rằng các bước đang được tiến hành và sẽ được tiến hành trong những tháng tới sẽ giúp bình ổn các thị trường tài chính và bình ổn nền kinh tế nói chung. Điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ không gặp những chuyện khó chịu do kinh tế đi xuống, không có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp sẽ không tăng. Nhưng nhất định là khi các biện pháp bắt đầu được tiến hành, chúng ta bắt đầu tiến đến một hướng đi lên, một hướng giúp chúng ta có thể xây dựng kinh tế trở lại."
Tổng Thống tân cử Barack Obama đã cảnh báo với nhân dân Mỹ rằng sẽ có một thời gian khó khăn, trước khi bầu trời sẽ quang đãng trở lại. Nhưng ông tin tưởng rằng các kế hoạch kinh tế mà ông đề ra, cộng với những kế hoạch mà Tổng Thống Bush đã ban hành, sẽ giúp kinh tế nước Mỹ chuyển động tốt trở lại.