Bắc Triều Tiên đã thực hiện lời đe dọa hạn chế nghiêm ngặt những vụ đi lai qua biên giới với miền Nam. Miền Bắc đã hạn chế việc đi lại đến khu công nghiệp liên doanh Nam-Bắc và giảm bớt số nhân viên của miền Nam tại đó tới mức chỉ còn lại các nhân viên nòng cốt mà thôi. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết trong bài tường trình của thông tín viên đài VOA Kurt Achin gởi về từ Hán Thành.
Bộ trưởng Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên Kim Ha-joong hôm nay nói rằng việc áp dụng những hạn chế tại biên giới hai miền Nam-Bắc là hành động không thể biện minh được và cần phải hủy bỏ ngay.
Như đã đe dọa từ nhiều tuần lễ trước đây, hôm nay các giới chức Bình Nhưỡng đã loan báo các hạn chế nghiêm ngặt mới về việc những ai có thể đi ngang qua biên giới phía nam của họ và khi nào thì được phép đi ngang qua đó. Bình Nhưỡng cho biết họ chỉ cho phép xe cộ đến từ miền Nam vào lãnh thổ của họ 6 lần mỗi ngày, thay vì 19 lần một ngày theo thông lệ trước đây.
Trong số trên 4,000 quản đốc và nhân viên Nam Triều Tiên giám sát khu công nghiệp liên doanh tại thành phố Kaesong ở Bắc Triều Tiên chỉ còn 880 người được phép lưu lại đó.
Phát ngôn viên bộ Thống nhất Nam Triều Tiên Kim Ho-nyeon bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc của Nam Triều Tiên trước các hạn chế này của Bình Nhưỡng, mà theo ông đó là một sự vi phạm thỏa hiệp giữa hai miền Nam-Bắc.
Ông Kim nói rằng việc hạn chế đó gây trở ngại cho công cuộc sản xuất và làm giảm niềm tin của thị trường.
Những biện pháp áp dụng hôm nay nằm trong khuôn khổ một tiến trình từng bước một mà Bắc Triều Tiên cảnh báo là có thể dẫn đến việc cắt đứt toàn bộ các quan hệ giữa hai miền Triều Tiên vốn chưa bao giờ chính thức kết thúc cuộc chiến năm 1950 bằng một bản hiệp ước.
Tuần trước, Bắc Triều Tiên đã cắt đứt một chuyến đi tham quan Kaesong và đình chỉ các chuyến xe lửa chở hàng từ miền Nam băng qua ranh giới. Một khu du lịch tại vùng núi Kim Cương của miền Bắc vẫn còn đóng cửa sau khi xảy ra vụ binh sĩ Bắc Triều Tiên bắn chết một bà nội trợ miền Nam.
Khu công nghiệp Kaesong và khu du lịch núi Kim Cương là trung tâm điểm của chính sách kéo dài 10 năm nay của Nam Triều Tiên nhằm giao tiếp với Bắc Triều Tiên qua việc chứng tỏ là miền Nam sẵn sàng đổ nhiều tỉ đôla viện trợ và đầu tư vào miền Bắc mà không đòi hỏi gì nhiều.
Tuy nhiên, sự hào phóng đó đã không đem lại hiệu quả trong việc yêu càu Bình Nhưỡng ngưng chương trình thử nghiệm hạt nhân cách đây 2 năm, một sự kiện khiến đưa tới việc một Tổng thống có chủ trương bảo thủ được bầøu lên trong cuộc bầu cử năm ngoái là ông Lee Myung-bak.
Ông Lee tuyên bố là viện trợ và đầu tư cho miền Bắc cần phải được đáp ứng nhiều hơn với công cuộc hợp tác của Bình Nhưỡng về vấn đề hạt nhân và các vấn đề khác nữa.
Bắc Triều Tiên gọi nhà lãnh đạo miền Nam là một 'kẻ phản bội' và hồi tháng rồi đã dọa sẽ 'biến miền Nam thành một đống đổ nát' nếu ông Lee không tôn trọng thỏa hiệp chi tiêu nhiều tỉ đôla để xây dựng hạ tầng cơâ sở tại nước Bắc Triều Tiên nghèo khó.
Bình Nhưỡng cũng cảnh báo Hán thành phải ngăn chặn các tổ chức tư nhân dùng bong bóng thả truyền đơn qua miền Bắc.