Trung Quốc cảnh cáo Pháp rằng cuộc họp sắp diễn ra giữa Tổng thống Nicolas Sarkozy của Pháp và Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể tác động tới các mối quan hệ thương mại song phương trị giá nhiều tỉ đô la. Bắc Kinh cảnh cáo như thế trong lúc nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đọc diễn văn trước Nghị viện Âu Châu. Từ Paris, thông tín viên Lisa Bryant của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc bày tỏ sự bất mãn đối với cuộc họp dự trù diễn ra vào ngày thứ bảy tuần này tại Ba lan giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và Tổng thống Nicolas Sarkozy của Pháp – là người đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên hiệp Âu Châu. Trước đây, Trung Quốc cũng đã quyết định hoãn lại hộïi nghị thượng đỉnh với Liên hiệp Âu Châu vốn được dự trù diễn ra ở Pháp trong tuần này.
Trung Quốc phản đối việc các nhà lãnh đạo nước ngoài hội họp với Đức Đạt Lai Lạt Ma, với lý do là nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đang mưu tìm độc lập cho quê hương của ông.
Các nhà quan sát cho rằng lời cảnh báo của Trung Quốc về những biện pháp chế tài thương mại có thể không phải là những lời đe dọa suông. Trước đây trong năm nay, Trung Quốc đã tẩy chay một số công ty Pháp sau khi lễ rước đuốc Olympic Bắc Kinh ở Paris bị gây rối bởi những người biểu tình phản đối thành tích nhân quyền và sự cai trị của Trung Quốc ở Tây Tạng.
Khi phát biểu hôm thứ Năm tại Nghị viện Âu Châu ở Brussels, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tái khẳng định là ông chỉ muốn đòi tự trị cho Tây Tạng, chứ không đòi độc lập. Tuyên bố này đã được mọi người trong phòng họp vỗ tay hoan nghênh nồng nhiệt.
Ðức Ðạt Lai Lạt Ma nói: "Bây giờ tôi xin nói tới vấn đề Tây Tạng. Trên cơ bản, một số các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem cuộc tranh đấu của chúng tôi như một cuộc vận động đòi độc lập. Thực ra không phải là như vậy. Đó là một nhận định hoàn toàn sai lầm. Mọi người ai nấy đều biết rằng chúng tôi đang mưu tìm một nền tự trị thật sự cho Tây Tạng trong khuôn khổ của Trung Quốc, vì điều này phù hợp với lợi ích thật sự của chúng tôi."
Vị tu sĩ Phật giáo đoạt giải Nobel Hòa bình này cho biết cuộc vận động của ông nhắm tới mục tiêu là xây dựng một xã hội hài hòa và ổn định; và rõ ràng là ông muốn nói tới sự cai trị hà khắc của Trung Quốc ở Tây Tạng khi ông tuyên bố thêm rằng một xã hội như vậy không thể hình thành dưới sự sợ hãi.
Tại cuộc họp báo sau phần phát biểu tại Nghị viện Âu Châu, Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết rằng Trung Quốc không có quyền hành về mặt đạo đức ở Tây Tạng vì thành tích tệ hại của họ trong các lãnh vực nhân quyền, tự do tôn giáo và tự do diễn đạt.
Hôm thứ Năm, các cơ quan truyền thông Trung Quốc lại một lần nữa đả kích lời hô hào cho nền tự trị của Tây Tạng của Đức Đạt Lai Lạt Ma.