Một cuộc nghiên cứu mới cho thấy rằng một nhóm người tị nạn Iran và Iraq ở Australia đang phải chịu đựng mức căng thẳng hậu chấn thương cao gấp 10 lần mức độ của những người khác trong cộng đồng. Cuộc nghiên cứu nêu ra những tác động của các chính sách cứng rắn mà chính phủ Australia đã áp dụng trong những năm vừa qua với những người tị nạn nhập cảnh trái phép. Mời quí vị theo dõi thêm các chi tiết qua bài tường thuật của thông tín viên đài VOA Phil Mercer gởi về từ Sydney.
Các nhà khoa học đã theo dõi tình trạng sức khỏe tâm lý của 700 người theo đạo Manda – một giáo phái nhỏ ở Iraq và Iran, trong khuôn khổ của một cuộc nghiên cứu bắt đầu từ năm 2003.
Nhóm người này đã tới Australia để xin tị nạn và bị giam giữ dựa theo những luật lệ về di trú, trong đó có qui định bắt giam những người xin tị nạn nhưng không nhập cảnh theo các chương trình tị nạn chính thức.
Cuộc nghiên cứu cho thấy việc giam giữ kéo dài đã gây thương tổn cho sức khỏe tâm lý của họ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy là, ngay cả trong trường hợp được thả và được cấp thị thực tạm thời, cảm giác bất an và sự lo lắng về việc có được định cư ở Australia hay không đã góp phần gây ra những tác hại tâm lý cho người tị nạn.
Cuộc nghiên cứu này được thực hiện bởi Cơ quan Điều trị và Phục hồi cho Nạn nhân của Tra tấn và Chấn thương của tiểu bang New South Wales và Đại học New South Wales. Nhà nghiên cứu Zachary Steele cho biết rằng nhiều người tị nạn đã phải gánh chịu những nỗi đau đớn về tâm thần.
Ông Steele nói thêm: "Những người từng bị giam hơn 6 tháng đã thật sự gặp phải những biến chứng tâm lý nghiêm trọng kéo dài cho tới 3 năm sau. Và đối với khoảng 40% những người mắc chứng trầm uất nghiêm trọng thì mãi cho tới 3 năm sau đó họ vẫn bị hành hạ bởi những ký ức gây đau đớn, những sự hồi tưởng đáng sợ và những cơn ác mộng về thời gian bị câu lưu."
Toán nghiên cứu cũng phát giác là loại thị thực cấp cho người tị nạn Manda ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe tâm thần của họ. Tỉ suất về căng thẳng hậu chấn thương đã sút giảm đáng kể khi giấy tạm trú của họ được đổi thành thị thực dành cho thường trú nhân.
Khoảng 6,000 người đạo Manda đang sinh sống ở Australia, trong đó phần lớn là những người trốn chạy sự bách hại ở Iraq vì họ không theo đạo Hồi.
Các vấn đề tâm lý và sự căng thẳng ở mức độ cao đã khiến cho những người này gặp phải nhiều khó khăn trong việc xây dựng một cuộc sống mới. Những kinh nghiệm trong trại giam ở Australia tạo ra cho họ nhiều vấn đề khó khăn, và nhiều người vẫn không ngớt lo lắng cho số phận của thân nhân và bạn bè ở Iraq và Iran. Nhiều người của giáo phái được khai sáng trước Cơ đốc giáo và Hồi giáo này đã bị bách hại ở cả Iraq lẫn Iran, và hàng vạn người đã phải bỏ trốn.
Trong vài tháng qua, chính phủ Lao động ở Australia đã hủy bỏ nhiều phần của chính sách di trú nghiêm nhặt của chính phủ tiền nhiệm thuộc phe Bảo thủ. Giờ đây những người tị nạn nhập cảnh trái phép không còn bị tự động bắt giam như trước; và thay vì chỉ cấp thị thực tạm thời nhà chức trách đã bắt đầu cấp thị thực thường trú cho những người này.
Hiện nay Australia tiếp nhận khoảng 13,000 người tị nạn mỗi năm dựa theo các chương trình nhân đạo của chính phủ.