Các giới chức Chính phủ Ấn Độ cho hay họ đã chỉ thị canh phòng cẩn mật hơn tại các vùng biên giới trên bộ, giữa lúc có mối lo ngại về những cuộc tấn công khủng bố dữ dội hơn của những phần tử vũ trang đến từ Bangladesh hay Pakistan. Từ New Delhi, thông tín viên đài VOA Steve Herman gởi về bài tường thuật sau đây.
Ấn Độ đã tăng cường việc canh phòng vùng biên giới giáp với Bangladesh. Truyền thông Ấn Độ cho hay: hành động này được thực hiện sau khi có tin tình báo cho biết những phần tử hiếu chiến đã xâm nhập vào tiểu bang Tây Bengal.
Giới chức Ấn đặc biệt quan tâm về những phần tử thuộc nhóm Harkat ul-Jihad-al-Islami; nhóm này hoạt động ở cả hai nơi Bagladesh và Pakistan, và từng bị qui trách về những vụ tấn công tại các thành phố của Ấn Độ trong những năm gần đây. Cũng có những lo ngại là sẽ có những cuộc tấn công nhắm vào hai tiểu bang Tây Bengal và Assam của các nhóm đòi ly khai mà người ta tin là có doanh trại bên kia biên giới Bangladesh.
Ông M.L. Kumawat, người đứng đầu lực lượng An ninh biên phòng Ấn, nói với các ký giả là chính những nguồn tin tình báo đó đã khiến Ấn Độ tăng cường các biện pháp an ninh.
Ông Kumawat nói: “Chúng tôi đã yêu cầu người của chúng tôi đề cao cảnh giác, để ngăn không cho những người từ các nước khác xâm nhập vào lãnh thổ chúng tôi. Chúng tôi nâng cao mức đề cao cảnh giác, và tôi có thể đoan chắc là các lực lượng biên phòng của chúng tôi đang cảnh giác nhiều hơn bao giờ hết.”
Biên giới Ấn-Bagladesh là nơi nổi tiếng là có nhiều kẽ hở, với bọn buôn lậu thường xuyên qua lại không mấy khó khăn. Ông Kumawat nói ông đặc biệt quan tâm đến vùng này.
“Về biên giới với Bangladesh, như các bạn đã biết, chúng tôi có tới 4,096 kilomet chiều dài thuộc biên giới phía Đông, và tại nhiều nơi cho tới bây giờ vẫn chưa có hàng rào,” ông Kumawat nói.
Hôm thứ tư, Bộ trưởng Nội vụ Ấn Palaniappan Chidambaram nói trước quốc hội là ông đã hạ lệnh gấp rút xây thêm hàng rào dọc biên giới Bangladesh.
Bộ trưởng Chidambaram mới lên nắm quyền sau vụ tẤn công Mumbai tháng trước. Ông cho biết nhiều nỗ lực ngoại giao đã được xúc tiến, nhằm yêu cầu các chính phủ Bangladesh và Miến điện có hành động đối với các phiến quân chống lại Ấn Độ hoạt động trên lãnh thổ của họ. Về vụ tấn công Mumbai, Ấn Độ qui trách cho ít nhất 10 tên khủng bố Hồi giáo quá khích, đã xâm nhập từ Pakistan bằng đường biển.
Đó là lý do khiến các giới chức cao cấp Ấn Độ cam kết nâng cấp, và thống nhất chính sách về an ninh vùng duyên hải và các hải cảng. Hiện nay Ấn Độ không có hệ thống để phối hợp các hoạt động phòng vệ duyên hải, các trách nhiệm về an ninh được chia sẻ giữa 20 bộ khác nhau, các cơ quan ban ngành khác nhau, cũng như giữa các lực lượng dân sự và quân sự.