Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày tiến hành chính sách cải cách khai phóng, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc tái khẳng định quyết tâm theo đuổi đường lối cởi mở đã giúp nước ông từ 'một người bệnh của Á châu' trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự thế giới. Ông Hồ Cẩm Đào cũng bác bỏ những lời kêu gọi cải cách chính trị mà ông gọi là 'rập khuôn mô thức chính trị của Tây phương'. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết như thế trong lúc nhiều người trong giới trí thức văn nghệ sĩ ở trong và ngoài nước tiếp tục ký tên tham gia Hiến Chương 08, một văn kiện quan trọng đánh dấu một chương mới của phong trào dân chủ ở Trung Quốc. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái thực hiện sau đây.
Thưa quí vị, hôm 18 tháng 12, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình chính thức phát động kế hoạch cải cách theo đường lối kinh tế thị trường, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc bày tỏ hy vọng là nước ông sẽ tiếp tục đạt được thành công trên con đường phục hưng.
Ông phát biểu như sau tại một buổi lễ ở Đại Sảnh Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh.
"Lấy kiến thiết kinh tế làm trọng tâm là một việc then chốt để phục hưng đất nước; là yêu cầu căn bản của đảng chúng ta, của nhà nước chúng ta để có được phát triển và ổn định trường cửu cho quốc gia chúng ta. Chúng ta cần phải tiếp thu những thành quả hữu ích trong nền văn minh chính trị của nhân loại. Nhưng chúng ta tuyệt đối không thể rập khuôn mô thức chính trị của Tây phương,", ông Hồ Cẩm Ðào nói.
Nhà lãnh đạo ở Trung Nam Hải đã tuyên bố như thế trong lúc nhiều trí thức và văn nghệ sĩ Trung Quốc bày tỏ sự chán ghét đối với chế độ chính trị độc tài độc đảng đã được áp dụng gần 60 năm qua. Một trí thức trẻ ở Bắc Kinh, ông Vương Quang Trạch, đã nhận định như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.
"Thể chế chính trị ở Hoa Lục là loại thể chế hiếm thấy trên thế giới ngày nay, là một loại thể chế cặn bã và lạc hậu. Thể chế này chắc chắn sẽ gặp phải những áp lực rất lớn đòi họ thực hiện cải cách chính trị," ông Vương nhận định.
Áp lực mà ông Vương Quang Trạch nói tới đã được chính thức thể hiện hôm mồng 9 tháng 12 với một tuyên cáo có tên “Hiến Chương 08” do 303 học giả, nhà văn, và luật sư Trung Quốc phổ biến nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày chào đời của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Nhà văn Tần Canh ở tỉnh Hải Nam cho biết lý do khiến ông ký tên tham gia cuộc vận động này.
Ông Tần nói: "Trong 30 năm cải cách khai phóng, Trung Quốc chỉ cải cách thể chế kinh tế, không chịu cải cách thể chế chính trị, khiến cho mâu thuẫn trong xã hội Trung Quốc tồn đọng mỗi lúc một nhiều và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy mà cần phải thông qua cải cách chính trị để giải quyết mâu thẫn xã hội, để giải quyết vấn đề. Đó chính là lý do trực tiếp thúc đẩy tôi ký tên vào bản hiến chương này. Tôi nghĩ rằng những cải cách mà hiến chương này đề ra đều có thể giải quyết những vấn đề trước mắt của Trung Quốc."
Ông Tần Canh nói thêm như sau về nội dung của Hiến Chương 08, một văn kiện mà các nhà quan sát cho là mô phỏng Hiến Chương 77 do các văn nghệ sĩ và trí thức Tiệp Khắc công bố cách nay hơn 30 năm để yêu cầu nhà cầm quyền Cộng Sản lúc đó phê chuẩn các hiệp ước nhân quyền của Liên hiệp quốc và tôn trọng nghĩa vụ về nhân quyền trong Hiệp Ước Helsinki.
Ông Tần nói: "Hiến chương này trình bày từ chính diện những khái niệm về tự do, pháp trị, nhân quyền, hiến chính... Bởi vì ở Trung Quốc hiện nay chính quyền và người dân đều dùng những khái niệm này, nhưng nhận thức đối với các khái niệm có nhiều chỗ không được thống nhất. Hiến chương này đã trình bày những khái niệm này từ chính diện và trình bày một cách rất hay. Phần thứ ba của Hiến chương 08 đưa ra 19 yêu cầu cải cách. Tôi nghĩ rằng những yêu cầu này đều nhắm vào những vấn đề trước mắt mà nêu lên, và đã nêu lên một cách rất xác đáng."
Trong số 19 yêu cầu của Hiến Chương 08 có những yêu cầu thường thấy trong các cuộc vận động dân chủ ở những nước khác - như bảo vệ nhân quyền và quyền tư hữu; tôn trọng các quyền tự do lập hội, tự do hội họp và biểu tình, tự do diễn đạt và tự tôn giáo; thực thi tam quyền phân lập và tôn trọng sự độc lập của ngành tư pháp; và tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Ngoài ra, hiến chương này còn đưa ra những đòi hỏi nhằm giải quyết các vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở Trung Quốc hiện nay như vấn đề môi trường và tình trạng bất bình đẳng giữa cư dân thành thị và nông thôn.
Nhà văn Tần Canh tỏ ý hy vọng là những yêu cầu của Hiến Chương 08 sẽ được giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc đáp ứng tích cực.
Ông Tần nói thêm: "Cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình của đảng Cộng sản Trung Quốc có nói rằng cải cách của Trung Quốc nếu không tiến hành cải cách chính trị mà chỉ lo làm cải cách kinh tế mà thôi thì rốt cuộc cải cách kinh tế cũng bị thất bại. Tôi nghĩ rằng câu nói này cho tới nay vẫn còn đáng để cho giới lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc nghiền ngẫm một cách kỹ lưỡng."
Một nhà trí thức ký tên vào Hiến Chương 08 là cựu giáo sư Tôn Văn Quảng của Đại học Sơn Đông. Ông Tôn không lạc quan như nhà văn Tần Canh.
Ông Tôn nói: "Để duy trì quyền bính và những lợi ích đã chiếm được, nhà cầm quyền phải duy trì cách thức cai trị của quá khứ -- đó là đường lối cai trị chuyên chính của một đảng. Vậy thì sức mạnh của lực lượng nào có thể ảnh hưởng tới cách thức cai trị này? Xin thưa rằng, đó chính là sức mạnh của những người đòi tự do, dân chủ, của những người muốn bảo vệ nhân quyền. Đây là lực lượng có thể làm lung lay sự thống trị của họ. Và cũng chính vì thế mà nhà cầm quyền xem những người này là một thế lực thù địch cần phải trấn áp. Và kết quả là nhà cầm quyền đang đứng ở phía đối lập của trào lưu thế giới, đối lập với những giá trị phổ cập của nhân loại, đứng về phía đối nghịch với tự do dân chủ."
Ông Vương Quang Trạch ở Bắc Kinh cũng đưa ra một nhận định tương tự trong lúc giới hữu trách Trung Quốc bắt giam một trong những người xướng xuất việc công bố Hiến Chương 08, nhà văn Lưu Hiểu Ba, và tiến hành những hoạt động trấn áp khác nhắm vào những người ký tên vào văn kiện này.
"Điều này có dính líu tới vấn đề cải cách thể chế hiện nay, và là một điều rất trọng đại. Cho nên trong trường hợp nhà đương cuộc không gặp phải áp lực to lớn từ bên ngoài, không gặp phải một vụ khủng hoảng xã hội nghiêm trọng, thì có phần chắc là họ sẽ không chủ động tiến hành cải cách. Vì vậy chúng tôi phải đề ra những khái niệm chính trị này để hô hào cho việc thực hiện cải cách chính trị," ông Vương nhận định.
Một số các nhà phân tích cho rằng 'vụ khủng hoảng xã hội nghiêm trọng' mà ông Vương Quang Trạch nói tới có thể sẽ xảy ra trong năm 2009 – là năm mà theo dự báo của các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm hơn phân nửa, từ mức 11%, 12% trong những năm qua xuống còn khoảng 5%. Đây cũng là năm mà Trung Quốc sẽ có những ngày kỷ niệm trọng đại - bao gồm ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc năm 1949, ngày phát động phong trào dân chủ ở Bức Tường Tây Đơn ở Bắc Kinh năm 1979, và ngày xảy ra vụ đàn áp đẫm máu những sinh viên biểu tình đòi dân chủ ở Quảng Trường Thiên An Môn năm 1989.