Lẽ ra Lễ Giáng sinh phải là một khoảng thời gian để người dân Mỹ tưng bừng trang hoàng nhà cửa và mua sắm. Nhưng năm nay, với những tin tức bất ổn về kinh tế, mọi nguời đều mang tâm trạng bi quan và lo ngại không biết chuyện gì sẽ xảy tới trong nay mai. Vì lo ngại, họ cắt giảm chi tiêu nên các cửa hàng cũng ế ẩm. Câu chuyện nước Mỹ tuần này sẽ điểm qua một số những điều làm cho mùa lễ năm nay ở Hoa Kỳ mất vui. Mời quí vị theo dõi với Lan Phương sau đây.
Trong vài tháng cuối năm nay, các công ty Mỹ đã liên tiếp loan báo dự tính sa thải hàng loạt nhân viên. Những công ty thuộc tất cả mọi lĩnh vực của nền kinh tế, như Merck, Yahoo, General Electric, Xerox, Pratt & Whitney, Goldman Sachs,Whirlpool, Bank of America, Coca Cola, đều loan báo cắt giảm nhân lực.
Tình trạng cắt giảm nhân sự còn được chứng kiến ngay cả ở thị trường tài chính New York, ngành sản xuất xe hơi, xây cất, ngành hàng không và bán lẻ.
Trong tháng 10, mức thất nghiệp tại Hoa Kỳ là 6,1%, và theo dự đoán cho tới cuối năm tới, con số này có thể leo lên đến 8% hay 8,5%
Các công ty thải người để cắt bớt sản lượng vì giới tiêu thụ, phải chật vật với những khó khăn tài chính của riêng họ, đã giảm bớt chi tiêu. Hầu hết những người thuộc giới trung lưu có chút tiền để dành hoặc tiền hưu đầu tư vào cổ phần, chứng khoán nay thấy những gì họ dành dụm tiêu tan gần hết vì thị trường tài chính xuống dốc.
Nhưng đối với một số công ty, thải người là biện pháp họ không muốn áp dụng. Thay vào đó họ đã cố gắng cắt giảm chi phí bằng cách không mướn thêm người và cắt bớt giờ làm việc của nhân viên. Tuy vậy, đối với nhiều công ty, biện pháp này xem chừng chưa đủ. Họ đã phải buộc nhân viên nghỉ làm vài ngày không lương mỗi tháng để cắt giảm chi phí và điều này không chỉ xảy ra trong các công ty do tư nhân làm chủ, mà ngay cả trong các cơ quan chính phủ tiểu bang. Lấy ví dụ, tiểu bang California thiếu hụt ngân sách trầm trọng đang cầu cứu liên bang trợ giúp, đã phải cắt giảm giờ làm việc của nhân viên.
Trong tuần qua, thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger đã hạ lệnh cho công chức cuả bang mỗi người nghỉ 2 ngày trong 1 tháng không lương, hay chịu giảm tiền lương tương đương vơi 2 ngày nghỉ mỗi tháng để đạt được một khoản tiền tiết kiệm là 1 tỉ 300 triệu đô la trong suốt tài khóa năm tới.
Ông Schwarzenegger cũng hạ lệnh cho các cơ quan trong bang phải cắt giảm 10% chi tiêu. Biện pháp này có thể đưa tới việc phải sa thải nhân viên.
California sẽ phải cố gắng làm sao tiết kiệm để giải quyết mức thâm hụt ngân sách 42 tỉ đô la từ nay cho tới tháng 6 năm 2010, bằng không bang này sẽ rơi vào một thảm họa.
Tại quận Montgomery của bang Maryland ở miền đông Hoa Kỳ, sát thủ đô Washington, các giáo chức và nhân viên trường tiểu và trung học đã phải chấp nhận không tăng lương, để tiết kiệm 89 triệu đô la và để cho giám đốc học khu cân bằng được ngân sách.
Vì ngân sách thiếu hụt nên thống đốc bang này, ông Martin O’Malley, đang xét đến vấn đề có yêu cầu công chức và nhân viên phải nghỉ một số ngày không lương hay không.
Trên đây chỉ là một vài thí dụ điển hình chung cho con số rất nhiều địa phương và nhiều bang ở nước Mỹ đang lâm vào cảnh thiếu hụt ngân sách. Và tất nhiên người Việt ở mọi nơi tại Hoa Kỳ hầu như đều chịu ảnh hưởng của tình trạng kinh tế đi xuống.
Anh Nguyễn Hùng Thịnh, dược sỹ của hệ thống cửa hàng thuốc tây CVS tại Orlando, bang Florida, cho biết về tình hình nơi anh làm việc.
Anh Nguyễn Hùng Thịnh: "Tình trạng của pharmacy thì đằng nào dược sỹ cũng phải có mặt tại chỗ cho nên cắt giờ không được. Nhưng những người phụ tá giúp việc cho dược sỹ thì có bị cắt giờ. Bên hệ thống CVS một tuần lễ họ cắt từ 115 giờ trước đây xuống còn chừng 100 bây giờ."
VOA: Đấy là CVS, một hệ thống tiệm thuốc tây rất lớn ở Mỹ, thế còn tình hình những hệ thống các tiệm thuốc tây khác thì như thế nào?
Anh Nguyễn Hùng Thịnh: " Thứ nhì là Walgreen, cũng có lúc họ ngưng, không cho mướn thêm nhân viên, tức là nếu có người nghỉ hay bỏ việc thì hiện nay họ đang ngưng, không cho mướn thêm người, chỉ xoay sở trong số nhân viên có sẵn thôi."
VOA: Vậy là dược sỹ sẽ phải làm việc cực hơn?
Anh Nguyễn Hùng Thịnh: "Dược sỹ sẽ phải làm việc cực hơn, xoay trở trong số nhân viên có sẵn thôi chứ không được quyền mướn thêm, thành thử nhiều việc hành chính làm không kịp thì có những ngày nghỉ tôi phải vào làm thêm chừng 1 tiếng đồng hồ về giấy tờ vậy đó. Cái đó là không có lương."
VOA: Anh có nghe đến chuyện cắt lương không?
Anh Nguyễn Hùng Thịnh: "Cắt lương thì chưa nghe nhưng hai bên cạnh tranh nhau dữ lắm, trước giờ chưa đến nỗi mà bây giờ bên này họ cho coupon, cho không 25 đồng để chuyển toa thuốc qua tiệm họ, rồi họ cho trụ sinh miễn phí để quảng cáo. Cạnh tranh nhau từng chút."
Nói chung, với tình hình kinh tế toàn quốc đang suy thoái, Santa Ana, bang California, khu vực buôn bán sầm uất được coi là thủ phủ của người Việt tại Hoa Kỳ, cũng bị ảnh hưởng. Ông Lê Quang Thế, chủ tiệm phở Tàu Bay tại Santa Ana, cho biết về tình hình buôn bán ở đấy.
Ông Lê Quang Thế: "Bên Cali này thì có vẻ đi xuống một chút xíu, khoảng từ 15% đến 20%."
VOA: Đấy là tiệm phở Tàu Bay, thế còn những cửa hàng khác, những dịch vụ khác hay là những tiệm nữ trang, quần áo, thì tình hình như thế nào?
Ông Lê Quang Thế: "Theo chỗ tôi biết, và tôi có những bạn bè làm ăn ở một số những dịch vụ khác thì càng những tiệm nào càng có vẻ sang trọng bao nhiêu thì càng vắng khách bấy nhiêu. Những tiệm nào tương đối bình dân thì cũng xuống nhưng mà ít hơn."
VOA: Xuống như vậy thì có phải thải người hay cắt giờ làm việc hay không?
Ông Lê Quang Thế: "Một số tiệm thì cũng bị bớt nhân viên hay bớt giờ làm việc nhưng riêng ở tiệm chúng tôi thì vẫn bình thường."
Mời quí vị bấm vào đường dẫn bên phải để nghe.